(HNM) - Khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới tại nhiều bệnh viện trên địa bàn Thủ đô cho thấy, lối sống công nghiệp, lười vận động, chế độ ăn uống thiếu khoa học… đang khiến mô hình bệnh tật ở nước ta thay đổi, trong đó, bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân của 73% trường hợp tử vong. Đáng báo động, nhiều căn bệnh trước đây chỉ gặp ở người cao tuổi thì hiện nay có xu hướng ngày càng trẻ hóa.
Nhiều bệnh từ miệng mà ra...
Tháng 10-2019, các bác sĩ của Bệnh viện Nội tiết trung ương đã phẫu thuật thành công cho bệnh nhi N.Q.D. (3 tuổi ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) bị ung thư tuyến giáp thể tủy di căn. PGS.TS Trần Ngọc Lương, Giám đốc Bệnh viện - người trực tiếp thực hiện ca mổ cho biết, đây là lần đầu tiên bệnh viện phẫu thuật ung thư tuyến giáp cho bệnh nhi nhỏ tuổi như vậy. Trước đó, bệnh viện cũng phát hiện và phẫu thuật cho những trường hợp có độ tuổi từ 6 đến 9 mắc ung thư tuyến giáp.
Việc những người trẻ mắc ung thư là điều rất đáng lo ngại. GS.TS Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K trung ương, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho biết, bệnh ung thư chủ yếu được ghi nhận ở người cao tuổi. Số người mắc ung thư cao nhất trên thế giới vẫn ở độ tuổi từ 50 đến 60. Thế nhưng, ở Việt Nam đang ghi nhận tình trạng một số bệnh ung thư trẻ hóa hơn trên thế giới. Điển hình là bệnh nhân ung thư vú được ghi nhận trẻ hơn so với thế giới 5-10 tuổi.
GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K trung ương cho rằng, theo một nghiên cứu tại nước ta, sau khoảng 10 năm, số người mắc ung thư vú tăng lên gần gấp đôi, từ 18 trường hợp tăng lên tới 30 trường hợp được phát hiện bệnh trong số 100.000 phụ nữ. Tại Bệnh viện K trung ương đã điều trị cho không ít bệnh nhân bị ung thư vú khi mới ở độ tuổi 20, 21. Còn tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, bác sĩ Thân Văn Thịnh, Khoa Khám bệnh cho biết, tại đây cũng đã khám và điều trị cho những phụ nữ bị ung thư vú khi ở độ tuổi 27-29 tuổi.
Ngoài ung thư vú, còn có một số bệnh ung thư ở nước ta có tỷ lệ người mắc trẻ hơn so với thế giới, đó là ung thư phổi, dạ dày, trực tràng, gan… Làm việc tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, hằng ngày, bác sĩ Trần Quốc Khánh chứng kiến không ít những ca bệnh hiểm nghèo ở độ tuổi còn rất trẻ. Đó là trường hợp một thanh niên 35 tuổi (tỉnh Quảng Ninh) làm việc ở một doanh nghiệp lớn, thường xuyên phải uống rượu, hút thuốc, thức khuya và hầu như không tập thể thao. Khi thấy cơ thể mệt mỏi, người này đi khám bệnh và phát hiện một khối u gan ác tính rất lớn. “Rất nhiều bệnh từ miệng vào nhưng nhiều người chỉ quan tâm đến ý thích, thấy ngon miệng là ăn. Chính lối suy nghĩ đó khiến họ phải trả giá bằng sức khỏe, bằng mạng sống”, bác sĩ Trần Quốc Khánh nêu quan điểm.
Tại Khoa Phẫu thuật gan - mật, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức đang điều trị cho một bệnh nhi 13 tuổi (ở Hà Nội), phát hiện bị sỏi mật từ năm lên 9. Bác sĩ Đỗ Tuấn Anh, Trưởng khoa Phẫu thuật gan - mật cho biết, mỗi năm, tại khoa khám cho khoảng 3.000 người mắc các bệnh lý về gan, mật, thực hiện gần 1.600 ca phẫu thuật, trong đó có hơn 1.000 ca liên quan đến bệnh lý sỏi mật. Trước đây, sỏi mật là bệnh lý thường gặp ở tuổi trung niên trở lên nhưng gần đây có xu hướng xuất hiện ở người trẻ, thậm chí cả trẻ em. Nguyên nhân gây sỏi mật ở trẻ em chủ yếu liên quan đến rối loạn chuyển hóa do ăn uống không cân đối, ăn quá nhiều chất, ăn uống không bảo đảm vệ sinh...
Ăn uống thừa chất, béo phì, dành quá nhiều thời gian xem ti vi, sử dụng điện thoại, máy tính… cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng bệnh đái tháo đường, tim mạch ở trẻ. Tại Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận bệnh nhi 13 tuổi được chẩn đoán mắc đái tháo đường type 2. Theo PGS.TS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường của bệnh viện, nếu các năm trước, đái tháo đường type 2 ít gặp ở độ tuổi trước 40, thì nay đã xuất hiện ở người dưới 18 tuổi…
Không vận động là tự giết mình
Ngày 23-11, tại chương trình Ngày hội vì cộng đồng năm 2019, các bác sĩ Bệnh viện K, Bệnh viện Nội tiết trung ương, Bệnh viện Tim Hà Nội… đã tổ chức khám tầm soát miễn phí 4 bệnh: Đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư vú cho người trong độ tuổi từ 20 đến 69. Tại đây, ngành Y tế kêu gọi người dân chung tay hưởng ứng chương trình Sức khỏe Việt Nam, trong đó chủ động giảm nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm và các bệnh lý khác bằng chế độ ăn uống, vận động khoa học, không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, chủ động khám bệnh định kỳ để phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm xảy ra. Thông qua chương trình này, Bộ Y tế cũng mong muốn người dân tăng cường vận động thể lực bằng cách đẩy mạnh phong trào 10.000 bước chân mỗi ngày, khuyến khích đi bộ hằng ngày.
Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Việt Nam là một trong 10 nước có người dân lười vận động nhất thế giới. Nghiên cứu của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng cho thấy, có tới 30% người trưởng thành thiếu vận động thể lực. Tố chất thể lực, sức bền và sức mạnh của thanh niên Việt Nam được xếp vào mức kém so với chuẩn. Ngoài ra, nghiên cứu từ Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) cũng cho thấy, trung bình người Việt Nam đi bộ 3.600 bước một ngày, giới văn phòng chỉ 600 bước trong khi khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là 10.000 bước.
Theo ông Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), những căn nguyên góp phần khiến bệnh tật trẻ hóa, như: Lối sống, ăn uống, lười vận động, nghiện rượu, thuốc lá… đều có thể thay đổi được. Do đó, ngay từ bây giờ, mọi người hãy từ bỏ những thói quen gây hại, đặc biệt chú trọng việc vận động hằng ngày; bởi nếu không tập thể dục, thể thao là chúng ta đang tự giết mình. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong ngày, mọi người nên tập trung dinh dưỡng vào bữa ăn sáng, bữa trưa ăn nhẹ và bữa tối ăn rất hạn chế. Trong chế độ ăn uống cần bảo đảm vệ sinh, cân bằng chất béo và chất xơ, hạn chế ăn mặn, ăn nhiều rau xanh…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.