(HNMCT) - Sau đại dịch Covid-19, các bệnh hô hấp ngày càng gia tăng khiến cho công tác chẩn đoán, điều trị gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, ô nhiễm không khí, tình trạng hút thuốc lá và sự già hóa dân số cũng khiến tỷ lệ mắc bệnh lý hô hấp ngày càng tăng.
Người từng mắc Covid-19 dễ mắc các bệnh về đường hô hấp
Theo quy luật, các bệnh lý đường hô hấp sẽ tăng trong mùa mưa và đặc biệt là giai đoạn chuyển mùa. Thời gian 6 tháng cuối năm thường có thời tiết thất thường khiến nhiều người dễ mắc các bệnh lý về đường hô hấp hơn bao giờ hết. Minh chứng là số ca bệnh tới thăm khám và điều trị các bệnh về hô hấp như viêm phổi, viêm tiểu phế quản, hen... tại các bệnh viện đều tăng so với các tháng trước.
Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, người từng mắc Covid-19 thì hệ hô hấp sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, những người từng mắc Covid-19, đặc biệt là trẻ em, có khả năng dễ mắc các bệnh về đường hô hấp hơn và tỷ lệ trở nặng cao hơn khi mắc bệnh đường hô hấp.
GS.TS Ngô Quý Châu, Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam cho biết, bên cạnh những bệnh lý hô hấp kinh điển như hen phế quản, COPD, viêm phổi kẽ..., hiện xuất hiện nhiều bệnh lý mới nổi chưa từng có trước đây như Covid-19 và các bệnh phổi liên quan... Điều đó kết hợp với tình trạng tăng đề kháng kháng sinh của vi khuẩn đã làm cho công tác chẩn đoán và điều trị các bệnh về đường hô hấp gặp nhiều khó khăn.
Bệnh về đường hô hấp là bệnh lý phổ biến, khiến khoảng 1/3 số trẻ nhập viện trong những năm đầu đời. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hằng năm có khoảng 4 - 5 triệu trẻ em tử vong do bệnh về đường hô hấp, phần lớn là trẻ dưới 5 tuổi.
Thời tiết giao mùa khiến nguy cơ của một số bệnh hô hấp gia tăng, đặc biệt là trong thời điểm học sinh quay lại trường học. Trẻ bị bệnh nhẹ thường có các triệu chứng như sốt, ho, xổ mũi, nôn ói khi ăn, có thể kèm theo tiêu chảy. Bé mắc hô hấp nặng có thêm biểu hiện khó thở, tím tái. Khi đến bệnh viện, trẻ sẽ được xét nghiệm, loại trừ Covid-19 và được điều trị theo phác đồ cụ thể tương ứng mức độ bệnh.
Theo Tiến sĩ - bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Trưởng khoa Nội Bệnh viện Nhi Trung ương, đối với nước có khí hậu nhiệt đới như Việt Nam, những bệnh viêm đường hô hấp thường xuyên lưu hành. Khi trẻ đi học trở lại, sinh hoạt tập trung ở môi trường có sử dụng điều hòa, điều kiện không khí sẽ kém hơn so với không khí tự nhiên. Khi một em mắc bệnh sẽ có thể tạo các ổ dịch nhỏ, nguy cơ lây bệnh sẽ cao hơn khi ở cùng gia đình.
Không nên tự ý... làm "bác sĩ"
Các triệu chứng của viêm đường hô hấp trên thường kéo dài 5 - 7 ngày là khỏi. Tuy nhiên, nếu không được chăm sóc, theo dõi cũng như điều trị đúng và kịp thời, bệnh sẽ tiến triển nặng, từ viêm đường hô hấp trên thành viêm đường hô hấp dưới và quá trình điều trị kéo dài.
Chuyên gia y tế khuyến cáo, trong mùa dịch, tại gia đình hoặc lớp học không nên bật điều hòa cả ngày; nên tắt điều hòa 2 - 3 lần và mở hết cửa để đảm bảo thông thoáng môi trường không khí trong phòng.
Các phụ huynh nên chú trọng vệ sinh đường hô hấp cho trẻ như nhỏ nước mũi, súc miệng nước muối, rửa tay, khử khuẩn thường xuyên... Người lớn cũng cần giữ vệ sinh, đi ra ngoài về cần rửa tay, khử khuẩn, vệ sinh đường hô hấp...
Vi khuẩn, vi rút, nấm mốc, khí độc, bụi... là những nguyên nhân gây ra bệnh viêm đường hô hấp trên. Mầm bệnh có khả năng lây lan nhanh chóng từ người sang người thông qua các giọt bắn trong không khí khi người bệnh ho, hắt hơi hay nói chuyện gần. Ngoài ra, nếu chạm tay vào các bề mặt có dính vi rút hay vi khuẩn gây bệnh rồi chạm lên mắt, mũi, miệng thì cũng có thể bị nhiễm bệnh.
Các bác sĩ khuyến cáo, các gia đình không nên tự ý... làm "bác sĩ", không uống thuốc theo đơn cũ. Đặc biệt là người lớn không nên tự ý cho trẻ uống kháng sinh, tự ý mua test về để test cúm khi bị hắt hơi, sổ mũi. Những việc này sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe; việc tự test cúm nhiều khi không chính xác, gây lãng phí lại không hiệu quả về điều trị.
Có một thực tế, nhiều người có thói quen tự ý uống kháng sinh để điều trị các triệu chứng thông thường như ho, sốt, ngạt mũi, sổ mũi... Việc lạm dụng thuốc kháng sinh làm gia tăng khả năng kháng thuốc, dẫn đến việc điều trị bệnh khó khăn, kéo dài, tốn kém. Thuốc kháng sinh diệt vi khuẩn có hại trong cơ thể nhưng cũng diệt cả những vi khuẩn có lợi. Mà sự hiện diện của những vi khuẩn có lợi này có thể ức chế sự sinh sản của vi khuẩn, đóng một vai trò khá quan trọng trong việc phòng, chống dịch bệnh. Nếu những vi khuẩn có lợi này chết, khả năng phòng thủ của cơ thể sẽ giảm xuống.
Nguy hiểm hơn, kháng sinh nếu không được sử dụng đúng còn có thể ảnh hưởng tới chức năng gan, thận, các tế bào thần kinh, khiến chúng ta càng dễ mắc bệnh nhiễm khuẩn hơn và có nguy cơ gặp tác dụng phụ của thuốc...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.