(HNM) - Vừa qua, vụ tai nạn rơi bồn chứa nước tại quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) làm cháu bé 8 tháng tuổi tử vong khiến dư luận xôn xao về độ an toàn của bồn chứa nước trong gia đình...
Nhiều bất cập
Vụ việc trên xảy ra vào khoảng 15h ngày 4-9 tại nhà trọ số 4/7/1 Đường số 3, Khu phố 5 (phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức). Trời mưa lớn kèm theo gió mạnh khiến bồn nước inox có thể tích 1.500 lít của căn nhà bên cạnh bất ngờ rơi thẳng xuống làm thủng mái tôn, đè trúng hai mẹ con chị Ngô Thị Ly (30 tuổi) cùng con gái mới 8 tháng tuổi. Cháu bé tử vong tại chỗ, chị Ly bị thương nặng.
Trước đó, đã xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm liên quan đến bồn nước tại các địa phương khác. Cụ thể vào tháng 9-2014, bồn nước đổ sập khiến hai em tử vong tại một trường tiểu học ở Nghệ An; bồn nước rơi khiến một cụ bà tử vong ở Vĩnh Phúc năm 2012 hay hai công nhân tử vong do bồn nước rơi trúng tại TP Hồ Chí Minh năm 2011.
Sau khi xảy ra vụ rơi bồn nước khiến cháu bé 8 tháng tuổi thiệt mạng, ngày 5-9, UBND phường Hiệp Bình Phước đã yêu cầu các bộ phận liên quan rà soát, tháo dỡ các bồn nước không an toàn. Tuy nhiên, trao đổi với bà Trần Thị Như Tuyết (Trưởng khu phố 5, phường Hiệp Bình Phước) cho biết, hiện tại vẫn chưa có quyết định chính thức nào từ trên phường gửi xuống để khu phố triển khai. Theo bà Tuyết, vấn đề ở chỗ là chưa có một quy chuẩn nào để lấy căn cứ ra quyết định xử phạt và tháo dỡ. Vì vậy, trước mắt khu phố chỉ có thể triển khai vận động người dân tự kiểm tra lại hệ thống chứa nước trong gia đình để tránh sự cố.
Thi công, lắp đặt bồn chứa nước tùy tiện, gây mất an toàn tại khu dân cư. |
Tìm hiểu về quy định trong sản xuất bồn và giá đỡ bồn nước tại Công ty TNHH Bồn nước Bình Minh (phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức), nhân viên của công ty này cho biết, quy cách sản xuất bồn và giá đỡ là do công ty đề ra. Cụ thể, với bồn nằm loại 1.500 lít (cùng loại với bồn gây ra tai nạn khiến cháu bé 8 tháng tuổi tử vong) thì chiều cao bồn là 1,33m tính cả giá đỡ. Cũng theo nhân viên này, "không có quy cách quy định chung của Nhà nước cho sản phẩm bồn nước, mà tất cả quy cách đều do công ty nghiên cứu sản xuất".
Cùng quan điểm trên, ông Khương Quốc Trụ, GĐĐH Công ty cổ phần Kỹ thuật công nghệ Khương Quốc (công ty hoạt động trong lĩnh vực cung cấp vật liệu xây dựng có trụ sở tại Bình Dương) cho biết mỗi nhãn hiệu bồn nước hoặc máy nước nóng đều có quy chuẩn riêng. Tuy quy chuẩn đó được nghiên cứu kỹ và rất an toàn nhưng mỗi nơi sản xuất lại khác nhau, không thống nhất cho từng sản phẩm, từ bồn cho đến giá đỡ đi kèm.
Cần xây dựng quy chuẩn thống nhất
Mỗi một kết cấu công trình xây dựng, đều được quy định theo Nghị định 64/2012/NĐ-CP, theo đó một trong các yêu cầu cấp phép xây dựng phải có kết cấu bảo đảm an toàn sử dụng cho công trình và các công trình lân cận. Tuy nhiên, theo một chuyên gia về xây dựng, thực tế là riêng phần bể nước, bồn nước thì hầu như không được quan tâm, trong giấy phép xây dựng phần lớn chỉ mang tính chất minh họa, thể hiện được một số nội dung như: Chỉ giới xây dựng, cốt nền công trình, chiều cao khống chế, khoảng đua ra của các bộ phận như ban công, ô văng… Do vậy, khi các công trình gây mất an toàn do bồn chứa nước thì việc kiểm tra lắp đặt bồn theo đúng giấy phép hay không là điều khó khăn. Chưa nói đến một phần không nhỏ các công trình xây dựng không có phép vì nhiều lý do.
Trao đổi với TS Phạm Sanh (nguyên giảng viên ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh), cho biết: Thật ra, "Quy chuẩn kỹ thuật về hệ thống cấp thoát nước trong nhà và công trình" đã có từ năm 1999, do Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) phối hợp với Hiệp hội quốc tế Cấp thoát nước và Cơ khí Hoa Kỳ (IAPMO) biên soạn dựa trên những nội dung kỹ thuật trong bộ quy chuẩn "Uniform Plumbing Code" do Hiệp hội IAPMO xuất bản năm 1997. Thế nhưng, ông Sanh cho rằng bộ quy chuẩn này không còn phù hợp với thực tế hệ thống cấp nước trong nhà và công trình tại các đô thị Việt Nam, đặc biệt hệ thống cấp nước cho nhà dân riêng lẻ.
Từ thực trạng trên, TS Phạm Sanh cho rằng trước hết phải ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn về quản lý xây dựng nhà ở riêng lẻ tại các đô thị của Bộ Xây dựng, trong đó quy định các quy chuẩn tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn về hệ thống cấp nước trong nhà và công trình phù hợp với đặc thù xây dựng Việt Nam, lấy đó làm cơ sở để các nhà sản xuất chế tạo sản phẩm và các đơn vị thi công lắp đặt thiết bị để bảo đảm an toàn khi công trình được đưa vào sử dụng. Trong lúc chờ đợi các nghị định, thông tư từ Chính phủ và Bộ Xây dựng, các Sở Xây dựng và địa phương cần có các văn bản hướng dẫn về lắp đặt, kiểm tra giám sát an toàn khi thi công lắp đặt bồn nước, quy trách nhiệm khi để xảy ra tai nạn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.