Theo dõi Báo Hànộimới trên

Báo động tình trạng trẻ em đường phố bị xâm hại

Gia Bảo| 14/11/2012 07:32

(HNM) - TP Hồ Chí Minh là địa phương có tỷ lệ trẻ em lang thang cao nhất cả nước. Đáng báo động hơn, tình trạng trẻ em đường phố bị xâm hại tình dục đang ngày càng gia tăng về số lượng và giảm về độ tuổi...


Những con số đầy lo ngại

Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh & Xã hội TP, trên địa bàn TP hiện có khoảng 1,5 nghìn trẻ em lang thang. Mỗi năm có khoảng 200 trẻ bị xâm hại tình dục. Theo ông Lê Quang Nguyên (Tổ chức cứu trợ trẻ em), đây chỉ là một phần nổi trong những vụ việc các cơ quan chức năng phát hiện, thực tế thì con số trẻ em gái bị lạm dụng tình dục lớn hơn nhiều. Ông Lê Ngọc Lâm, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu, quản lý và phát triển bền vững (MSD) đưa ra cảnh báo, số lượng trẻ em gái bị khai thác và lạm dụng tình dục tại TP ngày càng tăng, chiếm khoảng 16% ở độ tuổi 14 đến 17.


Các trẻ lang thang dễ bị bóc lột, xâm hại hoặc sa ngã vào con đường tội phạm.

Bà Lương Thị Thuận, Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em TP nhận xét, phần lớn trẻ em đường phố rơi vào độ tuổi từ 8 đến 16, chủ yếu không được học hành, hoàn cảnh gia đình éo le hay bị ruồng bỏ. Các trẻ lang thang dễ bị bóc lột, xâm hại và bị bắt làm những việc trái pháp luật như: trộm cắp, cướp giật… nên dễ bị tiêm nhiễm những thói hư, tật xấu và dần dần khiến nhân cách các em bị lệch lạc.

Trên 70% rối loạn tâm lý

Ông Lê Quang Nguyên cho rằng, hậu quả nặng nề nhất đối với trẻ đường phố bị lạm dụng và ngược đãi là ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe tâm lý, trong đó, biểu hiện rối loạn tâm lý chiếm 70 đến 80%. Cũng theo ông Nguyên, qua các dấu hiệu lâm sàng khi trực tiếp làm việc với các em, điều dễ nhận thấy là các em có rối loạn về hành vi, cảm xúc, khó kiểm soát hành động. Điều này chứng tỏ có nhiều vấn đề các em không được giải tỏa, luôn thấy mình là người thất bại. Hậu quả là các em nhận sự rủi ro nhiều hơn và trượt dài về nhân cách do không phân định được ranh giới giữa thiện và ác. Thế nên trẻ em đường phố dễ gặp rủi ro gấp nhiều lần so với trẻ em có điều kiện tốt trong quá trình nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách.

Bà Nguyễn Kim Thiện, quản lý Mái ấm Hoa Hồng Nhỏ (quận 7) cho biết, hiện mái ấm nhận nuôi 20 em gái từ độ tuổi 10 đến 16 tuổi và đều bị xâm hại tình dục. Mặc dù các em khi vào mái ấm đã được xốc lại về mặt tinh thần nhưng thỉnh thoảng vẫn có biểu hiện về rối loạn tâm lý. "Chúng tôi giúp cho các em tạm thời quên đi ký ức buồn, đồng thời trao cho các em năng lực, niềm tin để vươn lên trong cuộc sống hiện tại và tương lai. Tuy nhiên nhiều em vẫn không thể quên đi nỗi đau. Thậm chí, nhiều em sống được vài năm trong mái ấm, khi ra xã hội rất khó hòa nhập, lại muốn quay lại mái ấm chứ không muốn trở về gia đình", bà Thiện chia sẻ.

Tương tự, bà Lương Thị Thuận cho biết, việc xâm hại tình dục đối với các trẻ em gái, đặc biệt bị chính người thân trong gia đình cưỡng hiếp, đã gây nên hậu quả rất nặng nề về tâm lý. Đơn cử, nhiều trẻ khi Hội Bảo trợ trẻ em TP tiếp nhận về nuôi đều bị chấn động tâm lý rất nặng, do đó phải mời các chuyên gia tâm lý đến để hồi phục dần. Tuy nhiên việc phục hồi kéo dài cả tháng, thậm chí hàng năm.

Còn nhiều bất cập

Hiện nay, khó khăn nhất trên địa bàn TP là quản lý số lượng trẻ nhập cư, bởi hầu hết không có giấy tờ tùy thân. Cụ thể, Hội Bảo trợ trẻ em TP khi tiến hành làm thủ tục để được cấp CMND cho các em thì Công an TP yêu cầu phải có hộ khẩu. Tuy nhiên việc xác minh thân nhân và gốc gác cho các em quá khó khăn, nhiều trẻ gần như bị bỏ rơi lúc nhỏ. Do vậy, dù đã trên 14 tuổi nhưng "rào cản" CMND đã khiến cho các em không thể hòa nhập với xã hội. "Trong thời gian tới, Nhà nước cần có quy định linh hoạt hơn khi cấp CMND đối với nhóm trẻ em này, bởi mọi công dân đều có quyền bình đẳng" - Bà Thuận kiến nghị.

Hiện nay vẫn chưa có con số chính xác nào trong việc đánh giá tỷ lệ trẻ em đường phố ở nước ta bị lạm dụng và xâm hại về sức khỏe lẫn tinh thần. Mỗi đơn vị là mỗi con số khác nhau, thậm chí con số trên cũng chỉ là bề nổi, thực tế còn cao hơn nhiều. Theo ông Lê Ngọc Lâm, đây là mặt trái cản trở công tác nghiên cứu để đưa ra các biện pháp hữu hiệu nhất trong việc bảo vệ trẻ em đường phố. Trong khi ông Lê Quang Nguyên cho rằng, cộng đồng chưa thật sự quan tâm khi trẻ bị bạo hành hay xâm hại và cho đó là việc riêng của gia đình, vì vậy nhiều trường hợp trở nên nghiêm trọng và trong thời gian dài mới được xử lý. Đặc biệt, khi trẻ bị xâm hại, đối tượng thường hù dọa hoặc gia đình giấu vì sợ dư luận bàn tán. Đây cũng là nguyên nhân làm cho các thông tin về trẻ bị xâm hại bị hạn chế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo động tình trạng trẻ em đường phố bị xâm hại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.