(HNM) - Từ lâu, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã có công văn yêu cầu chấn chỉnh đào tạo liên thông, liên kết nhưng nhiều trường đại học, cao đẳng tại TP Hồ Chí Minh vẫn ngang nhiên tổ chức trái quy định.
Buổi đối thoại “khắc phục hậu quả” với sinh viên của Trường Cao đẳng Asean. |
Theo cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP Hồ Chí Minh, hình thức đào tạo liên kết chủ yếu dành cho những vùng khó khăn. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều trường lại cố tình hiểu sai, "chạy" sang tỉnh, thành phố có thí sinh đông để "vét" người học bất chấp quy định. Điển hình là Trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh (quận Gò Vấp) đã ra tận miền Bắc, liên kết với Trường ĐH Thành Đô tuyển sinh, đào tạo trái quy định tới 3.000 sinh viên hệ ĐH và CĐ. Chưa hết, trường này còn "chui" về Đồng Nai - là tỉnh kinh tế trọng điểm - để liên kết với Trường CĐ Công nghệ kỹ thuật Đồng Nai (nay đã nâng cấp thành Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai), "xé rào" tuyển 1.500 sinh viên hệ CĐ.
Ngành chức năng còn phát hiện Trường Trung cấp Tây Nam Á (TP Hồ Chí Minh) và Trường ĐH Thái Bình Dương (Khánh Hòa) liên kết đào tạo trái phép hai lớp liên thông các ngành kế toán, tài chính - ngân hàng và quản trị kinh doanh với tổng số 625 sinh viên. Trong đó, liên thông từ trung cấp lên ĐH có 538 sinh viên, từ CĐ lên ĐH có 87 sinh viên. Tương tự, Trường Trung cấp Vạn Tường (TP Hồ Chí Minh) và Trường CĐ Asean (Hưng Yên) đã liên kết đào tạo liên thông trình độ trung cấp lên CĐ ngành dược sai quy định 93 sinh viên; Trường Trung cấp Tây Sài Gòn và Trường ĐH Công nghệ Vạn Xuân (Nghệ An) liên kết tuyển sinh và đào tạo hai lớp liên thông ĐH chính quy chuyên ngành kinh tế và quản trị kinh doanh với 97 sinh viên…
Một thực tế là khi liên kết đào tạo theo kiểu vơ vét thí sinh như vậy, lợi nhuận của các trường không nhỏ, trong khi đó mức phạt không thấm vào đâu. Đơn cử, Trường CĐ Asean chỉ bị phạt 20 triệu đồng...
Ngoài tiền phạt, cơ quan chức năng còn đính kèm án là hủy kết quả và khắc phục hậu quả cho những sinh viên... trót học. Tuy nhiên, biện pháp khắc phục có bảo đảm được quyền lợi cho sinh viên? Vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT về khắc phục hậu quả, Trường CĐ Asean đã đối thoại và đưa ra các phương án để giải quyết quyền lợi của sinh viên gồm chuyển ra cơ sở chính tại Hưng Yên tiếp tục học liên thông CĐ chính quy; chuyển sang Trường Trung cấp Đại Việt để tiếp tục học và nhận bằng CĐ dược vừa làm vừa học. Nếu không đồng ý với hai phương án trên, trường hoàn trả học phí. Một sinh viên cay đắng nói với chúng tôi: "Chúng em thi, học vì thấy quảng bá, chào mời hấp dẫn, nghĩ là môi trường giáo dục rồi thì đâu có chuyện gì, ai ngờ lại thế này… Nhưng thời gian đã bỏ ra, công sức đã bỏ ra, chẳng lẽ bọn em lấy lại tiền".
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo một trường ĐH lớn tại TP Hồ Chí Minh cho hay, hết sức bất ngờ với việc các trường ĐH, CĐ xem thường người học, xem thường pháp luật như trên. Đã đến lúc ngành GD-ĐT phải mạnh tay hơn để xử lý tận gốc vấn đề.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.