Theo dõi Báo Hànộimới trên

Báo động tai nạn do pháo tự chế

Thu Trang| 10/01/2022 06:23

(HNM) - Càng cận Tết, câu chuyện về pháo lại càng trở nên báo động hơn bao giờ hết. Liên tục những ngày qua, tại nhiều bệnh viện trên cả nước đã tiếp nhận không ít vụ tai nạn thương tâm do pháo nổ tự chế, mà nạn nhân đa phần là thanh, thiếu niên. Do đó, ngoài việc kiểm tra, xử phạt vi phạm về sử dụng pháo nổ, gia đình, nhà trường, chính quyền, đoàn thể tại địa phương cần giáo dục, tuyên truyền để mọi người, nhất là thế hệ trẻ nhận thức rõ về những hiểm họa do pháo nổ gây ra.

Bệnh nhân N.T.T (14 tuổi ở tỉnh Phú Thọ) được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng bàn tay trái dập nát do pháo tự chế phát nổ.

Tàn phế do pháo nổ

Giữa tháng 12-2021, T.T.H (19 tuổi, ở tỉnh Hải Dương) mua bột làm pháo về tự chế thì bất ngờ pháo phát nổ, gây tai nạn và được cấp cứu tại bệnh viện tỉnh. Tuy nhiên, do chấn thương quá nặng, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức (Hà Nội). Tại đây, ê kíp bác sĩ cùng lúc phải phẫu thuật bàn tay dập nát, sửa mỏm cụt hầu hết các đốt ngón, điều trị đa chấn thương vùng mặt. Ngoài ra, kíp bác sĩ chuyên khoa mắt còn phối hợp xử lý vết thương mắt, loại bỏ nhãn cầu trái bị hỏng.

Gần đây nhất, cuối tháng 12-2021, cũng do tự chế pháo tại nhà và không may pháo phát nổ, bệnh nhi T.Đ.A (15 tuổi, ở tỉnh Quảng Ninh) đã phải cấp cứu tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí với nhiều vết thương vùng bàn tay trái và hai mắt. Tương tự, em N.T.T (14 tuổi, ở tỉnh Phú Thọ) được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng bàn tay trái dập nát, bị xẻ đôi, chảy nhiều máu cũng vì tự chế pháo…

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật hàm mặt - tạo hình - thẩm mỹ (Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức) cho biết, hằng năm, cứ vào dịp cận Tết, bệnh viện lại tiếp nhận nhiều ca tai nạn do pháo. Nguyên nhân chủ yếu là các bệnh nhân đều tự mua thuốc nổ về chế pháo. Do khoảng cách quá gần, khiến nạn nhân bị cụt tay, mù mắt, nát mặt... Điều đáng nói, đa số đối tượng gặp tai nạn pháo nổ là thanh, thiếu niên; nhiều trường hợp đã tử vong hoặc phải chịu thương tật suốt đời. Tai nạn pháo nổ đã đánh mất đi tương lai của các em.

Ngoài những tổn thương toàn thân, như: Bỏng, cụt chi, dị vật phần mềm..., theo bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt trung ương, tai nạn pháo còn gây những tổn thương nghiêm trọng cho mắt. Hằng năm, riêng tại Bệnh viện Mắt trung ương tiếp nhận hàng chục ca tai nạn mắt do pháo vào cấp cứu. Sức ép của vụ nổ pháo có thể xé toang nhãn cầu, làm thoát dịch và mô nội nhãn ra ngoài. Nếu vỏ bọc nhãn cầu còn nguyên vẹn thì sức ép, xung chấn cũng sẽ gây tổn thương các môi trường nội nhãn như phù giác mạc, chảy máu trong, sa lệch thể thủy tinh, rách võng mạc… Đặc biệt, dị vật chui vào trong mắt sẽ gây hủy hoại các mô mắt, là nguồn nhiễm trùng và viêm nhiễm dai dẳng, đau đớn kéo dài đến vài năm cho nạn nhân.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh, Phó Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Mắt Hà Nội) cho rằng, những năm gần đây, tình trạng chấn thương mắt do pháo cũng gia tăng trong các dịp lễ, Tết. Ngoài sức công phá gây ra chấn thương ở các vị trí trên cơ thể, pháo còn gây bỏng do tỏa ra nhiệt lượng lớn. Đặc biệt, tổn thương mắt do pháo từ mức độ nhẹ đến nặng, thậm chí có thể dẫn đến mù vĩnh viễn.

Nam thanh niên T.T.H (19 tuổi ở tỉnh Hải Dương) bị hỏng một bên mắt, nát hai tay do pháo tự chế phát nổ được điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức. Ảnh: Thanh Hương

Đẩy mạnh kiểm tra, tuyên truyền, giáo dục...

Theo thống kê của Bộ Y tế, dịp Tết Nguyên đán năm 2019, cả nước ghi nhận 287 trường hợp đến khám, cấp cứu do pháo nổ, thì đến dịp Tết Nguyên đán năm 2020 tăng lên 321 trường hợp và dịp Tết Nguyên đán năm 2021 giảm còn 252 người nhập viện do pháo nổ các loại. Trong khi đó, trên mạng xã hội Facebook hay Youtube xuất hiện hàng loạt trang trao đổi, mua bán nguyên liệu chế thuốc pháo, thậm chí hướng dẫn tự chế nhiều loại pháo khác nhau, gồm cả các loại pháo có độ sát thương cao để sử dụng dịp Tết.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật hàm mặt - tạo hình - thẩm mỹ (Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức) cho rằng, người dân cần chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng pháo nổ; không tự ý chế tạo thuốc nổ, pháo nổ, gây nguy hại cho bản thân và xã hội. Riêng với thanh thiếu niên - đối tượng tò mò, dễ học theo bạn bè và các thông tin trên mạng, cùng với việc tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm của lực lượng chức năng, nhà trường, gia đình, chính quyền, đoàn thể cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về những nguy hại của pháo nổ, thuốc nổ cho người dân, đặc biệt là đối với học sinh.

Để không còn những tai nạn thương tâm do pháo nổ, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh, Phó Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Mắt Hà Nội) khuyến cáo, tốt nhất người dân cần tuân thủ pháp luật, không buôn bán hoặc sử dụng các loại pháo nổ. Nếu bị bỏng hoặc dị vật bắn vào mắt khi pháo nổ cần úp mặt nạn nhân vào chậu nước sạch, chớp mắt để loại bỏ dị vật. Hoặc nếu nạn nhân bị chảy máu mắt, người giúp đỡ có thể băng gạc, rồi đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí và chăm sóc đúng cách. Người dân tuyệt đối không tự ý dùng các dụng cụ gắp dị vật, vì có thể gây tổn thương nặng thêm cho bệnh nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo động tai nạn do pháo tự chế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.