(HNM) - Bê tông hóa và khoan giếng tràn lan đang làm cho TP Hồ Chí Minh ngày càng lún nhiều hơn. Bên cạnh đó, nước mặn đã tấn công vào đến nguồn nước ngầm gây lo ngại về tình trạng ô nhiễm và thiếu nước sẽ xảy ra trên địa bàn TP.
Tất cả đều... lún!
TP Hồ Chí Minh đang bị lún nghiêm trọng các khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh (quận 2, 6, 7, 8, 9, 12, Tân Phú, Bình Thạnh, Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè có tốc độ lún trên 15mm/năm). Tính từ năm 1992 đến nay, nhiều nơi thuộc địa bàn 14 quận, huyện đã bị lún bình quân từ 20cm đến 30cm.
Đất lún ở quận 9 khiến nhà dân hư hỏng nặng. |
Năm 2003 các sự cố sụt, lún đất ở huyện Hóc Môn làm ảnh hưởng đến 42 hộ gia đình. Vụ sập nhiều hố sâu 2m với diện tích ảnh hưởng lên đến 4ha ở quận 9. Quận Bình Tân và các huyện Bình Chánh, Nhà Bè cũng có hiện tượng nhiều trụ giếng khoan khai thác nước ngầm bị trồi lên. Tương tự, hàng loạt các công trình giao thông cũng đang lún nghiêm trọng. Tuyến đường giao thông quan trọng Nguyễn Hữu Cảnh và cầu Văn Thánh 2 ở quận Bình Thạnh được xem là điển hình về công trình lún đến mức không kiểm soát nổi. Con đường này kể từ khi đưa vào sử dụng (năm 2001) đến nay đã xuống cấp trầm trọng, nền mặt đường trên toàn tuyến bị lún từ 0,5 tới 1,1m so với thiết kế ban đầu, trong đó 2 hầm chui cao 2,5m bị lún nay chỉ còn 1,4m, không thể lưu thông được. Bệnh "lún" đã khiến các cơ quan chức năng phải liên tục chi tiền tỷ để sửa chữa, bù lún cho công trình và đến thời điểm này, chi phí sửa chữa đã lên đến hàng trăm tỷ đồng và vượt quá số tiền xây lắp ban đầu...
Mặn xâm nhập tầng nước ngầm
Nguồn nước ngầm liên tục sụt giảm trên địa bàn TP đang dấy lên mối lo ngại dù cho các nhà chuyên môn đã cảnh báo cách đây nhiều năm. Số liệu từ Trung tâm Địa tin học ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện tại tốc độ sụt giảm mực nước ngầm từ 2m đến 3m hằng năm khiến cho tình trạng xâm nhập mặn và ô nhiễm nguồn nước gây nguy cơ thiếu nước trong một tương lai không xa.
Sự sụt giảm mực nước ngầm đã bắt đầu từ năm 1996 và đến nay TP đã có sự xâm nhập mặn ở các tầng chứa nước sâu hơn so với những năm trước đây. Khảo sát của trung tâm này cho thấy, hoạt động khai thác nước ngầm tại TP ngày càng bùng nổ, lượng nước khai thác tăng gấp 6,5 lần trong vòng 10 năm, có hướng dịch chuyển từ tầng Pleistocen (tầng 2) xuống tầng Pliocen trên (tầng 3) và Pliocen dưới (tầng 4). Trong khi đó, theo các nhà khoa học, chất lượng nước tầng 3 biến đổi phức tạp: nước mặn đến lợ gặp ở quận 8, 5, Bình Thạnh, một phần quận 2 và phía tây Bình Chánh. Còn tầng chứa nước ở khu vực đông nam Nhà Bè, Cần Giờ hoàn toàn mặn.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là việc khai thác nước ngầm tràn lan và thiếu kiểm soát trên khắp địa bàn. Mặc dù năm 2007 UBND TP đã ban hành quyết định về hạn chế và cấm khai thác nguồn nước ngầm tại một số khu vực trên địa bàn; nhưng tình trạng khai thác trái phép vẫn diễn ra khá phổ biến. Lý do: các công trình cấp nước không đáp ứng kịp nhu cầu sử dụng nước của quá trình đô thị hóa và phát triển sản xuất, dẫn đến lượng nước ngầm vẫn được khai thác ngày càng tăng đến mức báo động đỏ!
Theo PGS-TS Lê Văn Trung, Trung tâm Địa tin học Đại học Quốc gia TP cảnh báo, các tầng chứa nước ngầm đang ngày một hạ thấp xuống, sự sụt giảm này đã tạo điều kiện cho ô nhiễm và xâm nhập mặn diễn ra ở nhiều nơi. Ngoài ra, biến dạng mặt đất còn thể hiện như lún sụt nền đất, nứt nẻ công trình, ngập lụt khi mưa và triều. Ông Trung đề xuất cần phải xây dựng ngay bản đồ phân vùng cấm và hạn chế xây dựng mới các công trình khai thác nước dưới đất, có như vậy mới đánh giá chính xác hơn thực trạng và khả năng cung cấp nước dưới đất trên địa bàn.
Xét ở góc độ quy hoạch, GS-TSKH Lê Huy Bá (Viện Khoa học - Công nghệ - Quản lý môi trường) cho rằng, hiện tượng lún nghiêm trọng kéo theo ngập lụt gia tăng tại TP Hồ Chí Minh là hệ quả của việc phát triển quy hoạch ngược với quy luật tự nhiên. Thay vì mở rộng và phát triển đô thị về hướng cao phía bắc và tây bắc (như Hóc Môn, Củ Chi, Thủ Đức...) thì TP lại chú trọng phát triển về các vùng trũng, thấp, địa chất yếu ở đông nam. Theo ông Lê Huy Bá, nguyên tắc biến đổi khí hậu sẽ làm nước biển dâng và tất yếu trong tương lai khi nước biển dâng thì xã Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) sẽ là khu vực ngập đầu tiên, tiếp đó là quận 7. Tương tự, nếu đô thị hóa quận 2 thì tình trạng ngập lụt sẽ đổi dòng về phía trung tâm quận 1.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.