(HNM) - Thời gian qua, trên các phương tiện truyền thông phản ánh khá nhiều vụ bạo hành trẻ em, trong đó một số vụ ở mức độ trầm trọng, gây nhiều bức xúc ngay trên địa bàn Thủ đô.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
(HNM) - Thời gian qua, trên các phương tiện truyền thông phản ánh khá nhiều vụ bạo hành trẻ em, trong đó một số vụ ở mức độ trầm trọng, gây nhiều bức xúc ngay trên địa bàn Thủ đô.
Gần 10 năm, em Nguyễn Thị Thúy (12 tuổi, ở thôn Đức Hậu, xã Đức Hòa, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) bị cha đẻ hành hạ dã man: dùng kìm bẻ răng, đánh gãy tay, lấy liềm bổ vào người, lấy gậy đánh thành thương tích, lấy búa đinh đập vào tay, chân, xích vào chân giường khiến bé bị gãy tay thành tật, khuyết 4 răng cửa. Em Nguyễn Hồng Anh (4 tuổi, không có bố, mẹ đi tù), bị Bùi Văn Đạt (25 tuổi, ở phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) hành hạ, khiến bé tổn hại sức khỏe hơn 15%...
Trong 3 năm gần đây, theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, TP có 449 vụ xâm hại, bạo hành trẻ em, trong đó có 19 vụ xâm hại tình dục, 430 vụ bạo hành, xâm hại trẻ em. Các vụ xâm hại, bạo lực trẻ em trong những năm gần đây ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp. Nhức nhối hơn, trẻ em bị chính người thân trong gia đình, bố mẹ, thầy cô giáo, người bảo hộ bạo hành.
Thực trạng trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề tốc độ đô thị hóa cao, dân di cư ngày càng nhiều (trẻ em di cư cùng bố mẹ), tình trạng người dân bị thu hồi đất thiếu việc làm… chưa được quản lý chặt chẽ dẫn đến tiềm ẩn nhiều tệ nạn xã hội, gia tăng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Bên cạnh đó, từ năm 2008, nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ trẻ em được chuyển từ Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em sang ngành LĐ-TB&XH cũng ảnh hưởng đến công tác tham mưu, quản lý nhà nước trên lĩnh vực này.
Theo số liệu thống kê, toàn TP có 1,56 triệu trẻ em, trong đó có 12.980 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 52.707 trẻ em thuộc các gia đình nghèo. Trong khi đó chỉ có 18 cán bộ làm nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp TP, 31 cán bộ cấp quận, huyện, thị xã (cán bộ chuyên trách chỉ có 18). Đáng lưu ý, trong 577 cán bộ thực hiện nhiệm vụ cấp cơ sở chỉ có 15 cán bộ chuyên trách. Đội ngũ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở các cấp đều thiếu về số lượng, hạn chế về kinh nghiệm và kỹ năng nghiệp vụ, lại thường xuyên có biến động nhân sự. Trách nhiệm chính trong bảo vệ, chăm sóc trẻ em đổ dồn lên vai UBND cấp cơ sở, nơi kiêm nhiệm quá nhiều việc. Hệ thống các thiết chế sân chơi, cung thiếu nhi, nhà trẻ, nhà văn hóa dành cho trẻ em ít, hoạt động còn mang nặng tính hình thức, nhiều nhà văn hóa bị chiếm dụng, sử dụng sai mục đích, không thu hút trẻ em. Đây là nguyên nhân chính khiến việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại cộng đồng lỏng lẻo, là mảnh đất tốt cho tệ bạo hành, xâm hại trẻ em phát triển.
Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận người dân bao gồm cả cha mẹ trẻ, cán bộ lãnh đạo cấp cơ sở còn chưa đầy đủ, khiến nhiều hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em chưa được phát hiện, tố giác kịp thời. Hệ thống thu thập thông tin về trẻ em bị xâm hại, lạm dụng tại cộng đồng còn yếu, chưa được quan tâm đúng mức khiến nhiều đơn vị cơ sở không nắm bắt được thông tin hoặc nắm bắt muộn. Việc can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo hành, xâm hại còn chưa kịp thời…
Bảo vệ trẻ em là bảo vệ tương lai đất nước. Trong tình hình hiện tại, hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em rất cần được nhanh chóng hoàn thiện. Trước mắt tội xâm hại, bạo hành trẻ em, nhất là xâm hại tình dục trẻ em rất cần được xét xử với khung hình phạt nghiêm khắc, chặt chẽ hơn. Cần xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành thống nhất từ TƯ tới cơ sở trong phát hiện, xử lý, can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại, bạo hành. Công tác tuyên truyền, phổ biến về chính sách, pháp luật của Nhà nước và các biện pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em cần được thực hiện thường xuyên tới các cấp ủy, chính quyền, cộng đồng, trường học, gia đình và trẻ em.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.