(HNM) - Theo khảo sát của Ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội, công tác bảo đảm trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông tại nhiều điểm di tích đình, đền, chùa trên địa bàn thành phố vào đầu năm 2020 có chuyển biến tích cực so với năm trước. Đặc biệt, hoạt động trông giữ phương tiện cho du khách tại một số điểm di tích đã quy củ hơn.
Hiệu quả từ sự phối hợp tốt
Theo Phó Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội Hoàng Thị Thúy Hằng, năm nay, do có sự phối hợp tốt hơn trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện bảo đảm trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông giữa các cơ quan chức năng của thành phố và các địa phương, nên dù lượng phương tiện tham gia giao thông sau Tết Nguyên đán Canh Tý tăng, nhưng tình hình lưu thông cơ bản ổn định, ít xảy ra ùn tắc. Riêng ở khu vực có di tích đình, đền, chùa, các quận, huyện, thị xã huy động đông đảo lực lượng làm tốt công tác bảo đảm trật tự để du khách thập phương đến chiêm bái được an toàn.
Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, trên địa bàn quận có 2 di tích lịch sử - văn hóa lớn là đền Quán Thánh và đền Voi Phục, nhu cầu trông giữ phương tiện tăng cao dịp sau Tết. Do xây dựng sẵn các phương án nên việc trông giữ phương tiện cho du khách được thực hiện ngăn nắp, thu phí đúng quy định… Trong khi đó, theo Chủ tịch UBND phường Phương Liên (quận Đống Đa) Nguyễn Tiến Lộc, trên địa bàn phường có đình Kim Liên thu hút rất đông du khách thập phương đến chiêm bái dịp đầu năm nên thường xảy ra tình trạng ùn ứ phương tiện giao thông tại khu vực này. Tuy nhiên, năm nay, do công tác tổ chức, sắp xếp khoa học, có lực lượng công an phường và lực lượng tự quản ứng trực để hướng dẫn giao thông, chống lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, trông giữ phương tiện, tình trạng lộn xộn ở khu vực đình Kim Liên giảm đáng kể.
Khảo sát của Ban Đô thị tại đình Phù Đổng (huyện Gia Lâm), khu di tích đình, chùa Bia Bà (quận Hà Đông), phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc (quận Tây Hồ)… dịp đầu năm cho thấy, dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona gây ra nhưng vẫn có khá đông du khách đếm chiêm bái. Chính quyền sở tại tăng cường quản lý trật tự nên tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, trông giữ phương tiện đã giảm. Khắc phục tình trạng “chặt chém”, nâng giá vé trông giữ phương tiện, UBND các phường, xã đều sắp xếp, bố trí các bãi trông giữ thu đúng quy định.
Bà Hà Thị Lợi (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) chia sẻ: “Thông lệ, gia đình tôi đầu năm đi du xuân và chiêm bái tại 4 đình, đền thuộc “Thăng Long tứ trấn” là: Voi Phục, Quán Thánh, Bạch Mã, Kim Liên. Năm nay, công tác trông giữ phương tiện ở các di tích có chuyển biến nhiều, các điểm trông giữ phương tiện được cấp phép đều thu giá vé đúng quy định. Ở đền Bạch Mã (quận Hoàn Kiếm) còn có điểm trông giữ phương tiện miễn phí của Đoàn thanh niên phường Hàng Buồm”.
Tiếp tục duy trì bảo đảm trật tự đô thị
Bên cạnh những kết quả tích cực, theo ghi nhận của Ban Đô thị HĐND thành phố, vẫn xảy ra ùn ứ giao thông cục bộ tại những tuyến phố gần các điểm di tích như: Đền Trấn Quốc (đường Thanh Niên), phủ Tây Hồ (đường Xuân Diệu), khu vực quốc lộ 3 đoạn vào đền thờ Thánh Gióng… Cùng với đó, vẫn xuất hiện các điểm trông giữ phương tiện tự phát thu phí cao hơn quy định tại Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn…
Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân cho biết, nguyên nhân khách quan là do hạ tầng đô thị ở nhiều đình, đền, chùa nằm trong các khu đông dân cư nên có thời điểm bị quá tải do lượng lớn người và phương tiện tập trung về. Trên địa bàn thành phố có một số công trình giao thông trọng điểm đang thi công, dẫn đến việc phải sử dụng một phần lòng đường, vỉa hè phục vụ xây dựng cũng gây ách tắc vào giờ cao điểm. Ngoài ra, công tác quản lý của cơ quan chức năng có lúc chưa chặt chẽ, không phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp tổ chức trông giữ phương tiện trái phép, thu phí cao quá mức quy định khiến người dân bức xúc.
Ngay sau đợt khảo sát đầu năm 2020, Ban Đô thị HĐND thành phố đã kiến nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm có sử dụng một phần lòng đường, vỉa hè phục vụ thi công. Ban cũng đề nghị UBND thành phố nghiên cứu, bố trí nguồn vốn để hiện đại hóa Trung tâm Điều khiển giao thông, bổ sung trang thiết bị, phương tiện chuyên dụng cho lực lượng chức năng của thành phố và cơ sở nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Đặc biệt, thành phố cần sớm nghiên cứu, triển khai việc tăng cường đầu tư hệ thống camera giám sát phục vụ quản lý, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông và an ninh trật tự tại các điểm tiềm ẩn nhiều vi phạm, trong đó có các di tích đình, đền, chùa.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long, để bảo đảm trật tự đô thị, giao thông an toàn, thông suốt, thời gian tới, công tác phối hợp giữa các lực lượng và chính quyền các địa phương cần duy trì và tăng cường hơn nữa, để kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm... Đồng tình với quan điểm này, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học khẳng định, chính quyền địa phương sẽ cùng các lực lượng chức năng giám sát, kiểm tra địa bàn thường xuyên, liên tục, không làm theo phong trào.
“Thời gian tới, Ban Đô thị sẽ tiếp tục khảo sát về công tác bảo đảm trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố, trong đó có khu vực các di tích đình, đền, chùa. Bởi, lĩnh vực này thường xuyên nhận được các ý kiến, kiến nghị của cử tri”, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Nguyễn Nguyên Quân cho biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.