(HNM) - Hôm nay, lần đầu tiên chúng ta tổ chức Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam. Ngày 9-11 cũng là ngày bản Hiến pháp đầu tiên của đất nước được ban hành (năm 1946).
Đây là một dấu mốc lịch sử có ý nghĩa đặc biệt, khi bản Hiến pháp 1946 đánh dấu sự ra đời của một nhà nước độc lập, xây dựng và tổ chức theo hướng nhà nước pháp quyền. Những tư tưởng lập hiến, lập pháp theo hướng đề cao giá trị dân chủ, nhân quyền được xác lập trong Hiến pháp năm 1946 vẫn luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ quá trình hình thành hệ thống pháp luật của nước ta. Và đó cũng là ý nghĩa to lớn được bao hàm trong Ngày Pháp luật Việt Nam.
Những năm gần đây, cùng với đà phát triển của kinh tế - xã hội, sự hội nhập sâu rộng với quốc tế thì tình hình xây dựng, ban hành, phổ biến và thực thi pháp luật của nước ta cũng đang đặt ra những thách thức lớn. Chúng ta đã có một khối lượng văn bản pháp luật khổng lồ, nhưng dường như những thiết chế trong đó vẫn chưa đủ với một xã hội đang phát triển không ngừng. Thế nên, câu chuyện "thừa văn bản, thiếu quy định" vẫn được nhắc đến như một thực trạng buồn. Tình trạng "nợ đọng" văn bản dưới luật đã được chất vấn nhiều lần tại các kỳ họp Quốc hội, nhưng chưa được cải thiện là bao. Khi các thiết chế pháp luật còn thiếu hoặc yếu, hẳn nhiên hiệu quả quản lý xã hội sẽ khó được như mong muốn.
Thời gian qua, dư luận đã tốn nhiều giấy mực xung quanh chuyện xây dựng và ban hành văn bản pháp luật ở ta. Có không ít văn bản quy phạm pháp luật vừa ban hành đã phải hủy vì thiếu tính thực tiễn, khó có thể áp dụng vào cuộc sống. Nhiều dự thảo khi đưa ra lấy ý kiến nhân dân đã vấp phải sự phản ứng vì những định chế mang tính quan liêu, áp đặt do sự thiếu trách nhiệm, thiếu khảo sát trong khâu soạn thảo, điển hình như các quy định về "xe chính chủ", "ngực lép không được lái xe", "ghi tên cha mẹ trong CMND", quy định về điều kiện kinh doanh trứng, thịt tươi sống… Hay có những quy định bị "tụt hậu" với thực tiễn như những quy chuẩn xe đạp điện vừa ban hành mới đây. Văn bản này chỉ được ra đời khi mà thị trường đã tràn ngập xe đạp điện "không quy chuẩn" gây ra nhiều hệ lụy với xã hội.
Với thực trạng xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật như vậy, việc sớm nâng cao toàn diện ý thức pháp luật cho đại đa số nhân dân sẽ gặp không ít khó khăn, chưa nói đến chuyện sẽ phải nhận hệ quả "ngược" là sự "nhờn" luật làm suy giảm tính "thượng tôn" của pháp luật.
Những ngày gần đây, dư luận cũng đang xôn xao xung quanh việc một người dân "được minh oan" sau 10 năm ngồi tù với tội danh "giết người". Dưới góc độ pháp luật thì đây là sai sót khó có thể chấp nhận trong thực thi pháp luật. Nó cũng cho thấy những khoảng trống không nhỏ trong hệ thống luật pháp, đặc biệt là hoạt động tố tụng…
Việc tổ chức một "Ngày Pháp luật" chỉ mang tính biểu tượng, nhưng sẽ là lời nhắc nhở cho tất cả các ngày còn lại, cho tất cả những người có trách nhiệm xây dựng pháp luật, thực thi pháp luật, và thức tỉnh ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi công dân Việt Nam. Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền XHCN, tức là mọi công dân phải "sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật". Mọi thiết chế phải bảo đảm: "Thượng tôn" Hiến pháp và pháp luật; phải hướng tới xây dựng niềm tin, thái độ ứng xử phù hợp với quy định của Hiến pháp, pháp luật; đề cao giá trị con người, tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, của kỷ cương, phép nước; hướng tới xây dựng nền văn hóa pháp lý, xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.