(HNM) - Hơn 10 năm kể từ khi UBND TP Hồ Chí Minh ban hành Quyết định 150/2004/QĐ-UB về quy định quản lý, sử dụng hành lang bờ sông, kênh, rạch, người dân sống trong khu vực này gần như bị “treo” mọi quyền lợi liên quan đến việc sử dụng nhà, đất.
Trong thời gian chờ giải tỏa, những hộ dân sống trên kênh, rạch tại TP Hồ Chí Minh sẽ được sửa chữa nhà để ở. |
Nhiều nhà ven kênh, rạch sẽ được hợp thức hóa
Theo dự thảo quy định thay thế Quyết định 150/2004/QĐ-UB, đối với các sông, suối, kênh, rạch có chức năng giao thông thủy thì hành lang bảo vệ vẫn được giữ nguyên từ 20m đến 50m mỗi bên, tùy cấp độ. Còn đối với các sông, suối, kênh, mương có chức năng thoát nước theo quy định hiện hành thì hành lang bảo vệ là 10m mỗi bên thì dự thảo mới chia thành các nhóm với hành lang từ 5m đến 10m mỗi bên.
Theo dự thảo quy định mới, đối với đất ở nằm trong hành lang bảo vệ trên bờ nằm ngoài phạm vi 20m của hộ gia đình, cá nhân có nguồn gốc và quá trình sử dụng trước ngày 24-6-2004 sẽ được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và cấp phép xây dựng nhà ở để bảo đảm quyền lợi hợp pháp về nhà đất.
Đối với trường hợp chưa xây dựng và không thuộc phạm vi các dự án chỉnh trang đô thị thì UBND quận, huyện sẽ xem xét cấp phép xây dựng tạo điều kiện về nhà ở cho người dân. Riêng đối với nhà ở (dạng nhà sàn) nằm trong phạm vi 20m thuộc hành lang bảo vệ trên bờ hiện hữu trước ngày 24-6-2004 cho phép tồn tại theo hiện trạng và được sửa chữa, cải tạo gia cố nhưng không được thay đổi quy mô, diện tích, kết cấu nhà cũ để chống sập, sạt lở trong trường hợp không ảnh hưởng đến dòng chảy và giao thông thủy. Như vậy, trước đây những nhà dân này không cho phép xây dựng sửa chữa, nay được sửa chữa để ở nhưng không được bồi thường khi giải phóng mặt bằng.
Theo Sở GT-VT TP Hồ Chí Minh, hiện địa bàn thành phố có hơn 1.000km hệ thống bờ sông, trong đó có 600km có chức năng đường thủy nội địa, còn lại là chức năng thoát nước, nông nghiệp… Theo khảo sát của phóng viên, hiện có hàng nghìn hộ dân đang sinh sống trong hành lang kênh, rạch; trong đó có nhiều nhà dân ở phạm vi hành lang bảo vệ bờ sông 20m-30m nhưng đang bị “treo” hàng chục năm nay, không được xây dựng sửa chữa, điển hình như các khu vực ở huyện Nhà Bè và các quận 2, 8, Bình Thạnh, Thủ Đức… Với những quy định mới, các trường hợp trong phạm vi hành lang từ 20 đến 30m được cấp phép xây dựng nhưng hạn chế về tầm cao.
Cần thêm chế tài
Tại hội nghị phản biện xã hội dự thảo quy định quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, suối, kênh, rạch và hồ công cộng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 17-2, kỹ sư Hà Ngọc Trường cho biết rất đồng tình với các điều khoản bảo vệ quyền lợi người dân trong dự thảo quy định mới. Theo ông Trường, các công trình nhà ở đã hình thành từ lâu đời, không ảnh hưởng đến bờ sông, bờ suối được tồn tại và tu sửa là quyền lợi chính đáng của người dân. Tuy nhiên, ông Trường cho rằng, cần có những quy định cụ thể hơn về công trình xây dựng cũng như quy trách nhiệm cho các ban, ngành cụ thể hơn, bởi nếu có người “đứng mũi chịu sào” chịu trách nhiệm trực tiếp thì hiệu quả bảo vệ hành lang sẽ tốt hơn, ông Trường nói.
Luật sư Trương Thị Hòa cũng cho rằng, việc UBND thành phố đưa ra quy định bảo vệ hành lang bờ sông, kênh, rạch là cần thiết, phù hợp. Tuy nhiên, nên xem xét lại quyền cho UBND quận, huyện trong việc được xác định hành lang các sông, suối, kênh, mương có chức năng thoát nước. Theo bà Hòa, luật về đường thủy nội địa chỉ dành cho UBND thành phố xem xét quyết định phạm vi hành lang; mặt khác, nếu các quận, huyện đều có thẩm quyền này thì mỗi nơi sẽ ban hành một cách, rất khó quản lý.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh kiến nghị cần bổ sung biện pháp chế tài để xử lý hành chính, xử lý hình sự để bảo đảm các đối tượng tham gia thực hiện nghiêm túc. Trong khi đó, Nhà giáo Nhân dân Lê Kế Lâm cho rằng, Sở Xây dựng, Sở GT-VT cần quan tâm việc cấp phép xây dựng nhà cao tầng bên sông Sài Gòn, do trọng lượng nhà cao tầng rất lớn trong khi nền đất bờ sông yếu.
Theo Phó Giám đốc Sở GT-VT TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Minh, TP Hồ Chí Minh là đơn vị đầu tiên ban hành quy định về quản lý, sử dụng hành lang sông, kênh, rạch trong quá trình phát triển đô thị nên khó tránh khỏi thiếu sót. Mặt tích cực của Quyết định 150/2004/QĐ-UB là giải quyết được bài toán chống lấn chiếm hành lang kênh, rạch, hạn chế thấp nhất việc xây dựng các công trình kiên cố ở hành lang.
Tuy nhiên, vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến đời sống của người dân nên nay phải điều chỉnh để đáp ứng vừa quyền lợi của Nhà nước vừa quyền lợi của người dân. Sở GT-VT sẽ hoàn chỉnh dự thảo và báo cáo UBND thành phố trong thời gian sớm nhất để thực hiện. “Quan điểm của thành phố là bảo vệ hành lang bờ sông nhưng cũng phải bảo vệ quyền lợi người dân”, ông Lê Hoàng Minh khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.