Y tế

Bảo đảm nguồn tiểu cầu an toàn trong giai đoạn dịch sốt xuất huyết cao điểm

Thu Trang 18/11/2023 - 13:10

Tính hết tháng 10-2023, có hơn 5.000 người đã hiến tiểu cầu từ 10 lần trở lên. Người hiến tiểu cầu đã đóng góp quan trọng trong việc bảo đảm nguồn chế phẩm tiểu cầu an toàn, ổn định, đặc biệt là giai đoạn dịch sốt xuất huyết cao điểm trong năm 2023.

Thông tin trên được đưa ra tại chương trình Gặp mặt người hiến tiểu cầu tiêu biểu năm 2023 do Viện Huyết học - truyền máu trung ương tổ chức ngày 18-11. Đây là lần thứ 4, chương trình được tổ chức với thông điệp đã gắn bó từ chương trình đầu tiên “Hiến giọt máu vàng - Trao ngàn hy vọng”.

Tham dự chương trình là hơn 200 người hiến tiểu cầu tiêu biểu trong năm 2023, được lựa chọn từ hàng nghìn người hiến tiểu cầu tình nguyện, đạt tổng số lần hiến tiểu cầu tình nguyện từ trước đến nay và số lần hiến trong năm 2023 cao nhất. Thậm chí, có nhiều người đã dành thời gian, tâm sức, di chuyển từ các tỉnh: Hòa Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên… đến Hà Nội và đạt 15-16 lần hiến tiểu cầu trong năm 2023.

quang-canh-buoi-gap-mat.jpg
Quang cảnh chương trình gặp mặt

Trong quá trình phát triển 30 năm qua của phong trào hiến máu tình nguyện, có những cá nhân trong số 200 người hiến tiểu cầu tiêu biểu năm nay đã đồng hành cùng Viện Huyết học - truyền máu trung ương, tham gia hiến máu, hiến tiểu cầu từ 18 đến 20 năm.

Tiểu cầu có chức năng cầm máu và đông máu bằng cách tạo các cục máu đông bịt các vết thương ở thành mạch máu. Có nhiều bệnh lý khác nhau liên quan đến rối loạn đông cầm máu, thường là trường hợp nặng… cần truyền tiểu cầu như: Xuất huyết giảm tiểu cầu, rối loạn chức năng tiểu cầu, suy tủy xương, rối loạn sinh tủy, ung thư máu hoặc các bệnh ung thư di căn đến tủy xương… Nếu tiểu cầu giảm thấp thì gây tình trạng chảy máu và xuất huyết, thậm chí dẫn đến xuất huyết não, người bệnh có nguy cơ tử vong rất cao.

Khác với hiến máu toàn phần (có thể hiến lại sau gần 3 tháng), việc hiến tiểu cầu chỉ cần bảo đảm khoảng cách 3 tuần. Do đó, một người nếu đủ điều kiện sức khỏe có thể hiến tối đa 17 lần trong năm. Hiến tiểu cầu đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe hơn về cân nặng, số lượng tiểu cầu và thời gian hiến cũng lâu hơn. Toàn bộ quá trình hiến là vòng tuần hoàn khép kín, được thực hiện qua bộ gạn tách riêng để lấy máu, ly tâm, tách tiểu cầu và truyền máu trả lại cơ thể; nên thời gian hiến kéo dài (trung bình 70 - 90 phút một lần, trong khi hiến máu chỉ mất khoảng 5 phút).

nguoi-hien-tieu-cau-tai-vien-huyet-hoc.jpg
Nhiều bạn trẻ tham gia hiến tiểu cầu tại Viện Huyết học - truyền máu trung ương.

Tiến sĩ - bác sĩ Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học - truyền máu trung ương cho biết, tính hết tháng 10-2023, Viện đã tiếp nhận được 31.661 đơn vị tiểu cầu từ 9.214 người hiến (trung bình mỗi người hiến 3,4 đơn vị). Có đến hơn 5.000 người đã hiến tiểu cầu trong năm 2023 từ 10 lần trở lên. Người hiến tiểu cầu đã đóng góp quan trọng trong việc bảo đảm nguồn chế phẩm tiểu cầu an toàn, ổn định, đặc biệt là giai đoạn dịch sốt xuất huyết cao điểm trong năm 2023.

“Bên cạnh việc duy trì được những người hiến thường xuyên, Viện Huyết học - truyền máu trung ương rất mong muốn người hiến tiểu cầu sẽ tiếp tục đồng hành, chia sẻ với Viện, luôn sẵn sàng để hiến theo kế hoạch và chủ động đăng ký, xếp lịch để phù hợp nhất với nhu cầu sử dụng. Thực tế năm vừa qua, mới chỉ hơn 61% người hiến tiểu cầu đăng ký trước qua link và trong số đó, chỉ 68% đến đúng theo lịch đã hẹn”, Tiến sĩ Trần Ngọc Quế nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm nguồn tiểu cầu an toàn trong giai đoạn dịch sốt xuất huyết cao điểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.