Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm mức lương đủ sống cho người lao động

Mai Hoa| 22/06/2022 06:18

(HNM) - Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12-6-2022 của Chính phủ về quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2022. Để nghị định được triển khai kịp thời, đúng quy định, đòi hỏi các đơn vị liên quan phải sớm vào cuộc, hướng tới mục tiêu bảo đảm mức lương đủ sống cho người lao động.

Việc mức lương tối thiểu vùng sẽ tăng thêm bình quân 6%, góp phần bảo đảm chất lượng cuộc sống của người lao động. Trong ảnh: Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH Katolec Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh). Ảnh: Quang Thái

Đúng chính sách, bảo vệ người lao động

Nghị định số 38/2022/NĐ-CP có một số điều chỉnh so với Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15-11-2019 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Trong đó, đáng chú ý là mức lương tối thiểu vùng sẽ tăng thêm bình quân 6%.

Theo Tiến sĩ Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), khi lương tối thiểu vùng mới chính thức được áp dụng, người lao động sẽ đón nhận rất nhiều lợi ích đi kèm, như: Tăng lương tháng với người đang nhận lương tối thiểu, tăng tiền lương ngừng việc, tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa… Tuy nhiên, mức lương tối thiểu chỉ là cơ sở để người lao động và các tổ chức hỗ trợ người lao động đàm phán với doanh nghiệp, ngành, địa phương để xác định tiền lương thực tế cao nhất có thể. Người lao động ở thế yếu, rất cần sự hỗ trợ từ các tổ chức để bảo đảm mức lương đủ sống, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Nghị định số 38/2022/NĐ-CP cũng là nghị định đầu tiên ghi nhận về mức lương tối thiểu giờ (dao động 15.600-22.500 đồng/giờ, tùy theo vùng). Khẳng định tiền lương tối thiểu giờ chỉ là mức sàn thấp nhất để người lao động đàm phán, thương lượng mức lương thực tế, Tiến sĩ Vũ Minh Tiến cho biết: “Mục tiêu chính của quy định về lương tối thiểu, trước tiên là bảo vệ người lao động, đặc biệt là nhóm yếu thế. Những người làm thêm giờ hầu hết là nghèo, trình độ thấp, không có khả năng tự bảo vệ, đàm phán đưa ra mức tiền lương. Do đó, người lao động cần tham khảo người làm trước, các công việc tương tự để mạnh dạn đưa ra yêu cầu mức lương bằng hoặc cao hơn công việc tương tự. Có thể nhờ người môi giới, hỗ trợ đưa ra yêu cầu. Thêm nữa, cần chủ động tìm hiểu quy định để đề nghị cộng thêm tiền phép, tăng ca, bảo hiểm...

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, chị Đoàn Thị Như Quỳnh, công nhân Công ty Điện tử Asti Hà Nội (Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh) bày tỏ: “Nỗi lo của công nhân chúng tôi đó là dù lương tối thiểu tăng cũng khó có thể bù đắp kịp những chi phí tăng khác, như giá xăng dầu leo thang, các mặt hàng lương thực, thực phẩm đều tăng, chưa kể những khoản phát sinh lúc ốm đau... Tôi mong có mức lương đủ sống, bảo đảm các chi phí cần thiết, chăm sóc sức khỏe bản thân, nuôi con”.

Người lao động cần tìm hiểu kỹ công việc để thương lượng mức lương thực tế cho phù hợp. Trong ảnh: Phỏng vấn tuyển dụng lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Đỗ Tâm

Tiệm cận mức lương đủ sống

Thừa nhận với mức lương tối thiểu hiện nay khó có thể bảo đảm mức sống cho người lao động, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) chia sẻ: “Chúng ta cũng cần phải có sự cân nhắc kỹ việc tăng lương tối thiểu và tác động của nó đối với việc tăng chi phí của doanh nghiệp. Nếu người sử dụng lao động gặp quá nhiều khó khăn do chi phí tăng, dẫn tới sa thải lao động, sẽ càng có nhiều người bị “rơi” khỏi “lưới” an sinh xã hội. Khi ấy, thị trường lao động sẽ gặp tổn thương lớn, chi phí để huy động người lao động tái hòa nhập thị trường lao động, thậm chí còn lớn hơn nhiều”. Vì vậy, theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, cần sự chung tay của người sử dụng lao động và người lao động, tìm ra mức lương cân bằng, tiệm cận giữa mức lương tối thiểu và mức lương đủ sống cho người lao động. Về lâu dài, nên có luật về lương tối thiểu giờ, thay đổi cách tính lương tối thiểu giờ theo hướng có lợi hơn cho người lao động.

Trước mắt, người sử dụng lao động cần tập trung rà soát lại các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và các quy chế, quy định để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp; không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động. Giám đốc nhân sự Công ty cổ phần đầu tư Long Biên Phùng Thị Luyến cho biết, công ty đã sẵn sàng chuẩn bị phương án, thực hiện nghiêm các quy định về tăng lương tối thiểu vùng, bảo đảm duy trì quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.

Theo Nghị định số 90/2019/ NĐ-CP, với những người lao động làm công việc đòi hỏi đã qua học nghề, đào tạo nghề thì được trả lương cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đã quy định. Tuy nhiên, tại Nghị định số 38/2022/NĐ-CP, nội dung này đã bị bãi bỏ. Về việc này, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh và Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu thống nhất chỉ đạo: “Đối với các nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác có lợi hơn cho người lao động so với quy định tại Nghị định số 38/2022/NĐ-CP, thì tiếp tục được thực hiện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Theo đó, các nội dung đã thực hiện, trong đó có chế độ tiền lương trả cho người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi qua học nghề, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu tiếp tục thực hiện, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác theo quy định của pháp luật lao động”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm mức lương đủ sống cho người lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.