(HNM) - Trong những ngày qua, cùng với cả nước, các điều tra viên (ĐTV) của TP Hà Nội đã đồng loạt ra quân thực hiện cuộc tổng điều tra quy mô lớn về nông thôn, nông nghiệp và thủy sản, nhằm thu thập thông tin phục vụ xây dựng kế hoạch, hoạch định chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn của Thủ đô những năm tới.
Ghi nhận của PV Hànộimới trong những ngày đầu cuộc tổng điều tra với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và nhận được sự quan tâm của mọi tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, các ĐTV cũng gặp một số khó khăn vì cuộc điều tra rơi đúng vào thời điểm thu hoạch vụ xuân, sản xuất vụ mùa.
Điều tra viên, những "con ong chăm chỉ"
Đợt tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản của Hà Nội có ý nghĩa quan trọng, đánh giá thực trạng, phân tích xu thế biến đổi để xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ảnh: Minh Nguyễn
Chủ nhật (3-7), là ngày nghỉ nhưng ông Nguyễn Bá Thảnh (64 tuổi) ở tổ Nội Thương, xã Dương Xá (Gia Lâm) dậy từ sớm. 6 giờ 30 phút sáng, lỉnh kỉnh giấy, bút, phiếu điều tra... ông có mặt tại gia đình chị Tống Thị Thu để làm nhiệm vụ của một ĐVT. Theo ông Thảnh là phải tranh thủ làm "trái giờ" hành chính mới mong gặp được bà con để thực hiện công việc. Ông Thảnh thổ lộ: "Giờ giấc sinh hoạt không giống nhau của các hộ gia đình khiến cho công tác thu thập mẫu điều tra gặp nhiều khó khăn nếu không bám sát địa bàn". Ông Thảnh là một trong 18 ĐTV của xã Dương Xá, có nhiệm vụ điều tra 2.568 hộ trên địa bàn. Trao đổi với PV, Chủ tịch UBND xã Dương Xá Nguyễn Tiến Thoại cho biết, các ĐTV được tuyển chọn là những người có sức khỏe, trình độ, giàu kinh nghiệm điều tra và có khả năng tuyên truyền, vận động nhân dân.
Đối với chị Nhữ Thị Thanh Thu, ĐTV ở xã Cổ Bi (Gia Lâm) thì đây là lần thứ hai vinh dự làm ĐTV, chị tâm sự: "Một bộ phận người dân do chưa hiểu hết nên lo ngại một số câu hỏi, nhưng khi chúng tôi phân tích kỹ lý do cuộc điều tra mọi người đều vui vẻ thực hiện". Theo chị Thu, dù gặp một số trở ngại nhưng bằng trách nhiệm cao nhất sẽ bảo đảm hoàn thành công việc theo đúng lịch trình. Khác với chị Thu, ĐTV Nguyễn Văn Xuân, thôn Phú Lội, xã Minh Quang (Ba Vì) vất vả hơn khi phụ trách 145 hộ nhưng địa bàn trải rộng đến 2 cây số vuông. Dù vậy, anh Xuân vẫn lạc quan: "Đường sá đi lại khó khăn, địa hình đồi núi hiểm trở, xa nhất đến 3km đường rừng. Nhưng niềm vui lớn nhất cho chúng tôi là đa số người dân đều hưởng ứng, nhiều người vì công việc nhưng vẫn chủ động liên lạc với ĐTV bố trí giờ giấc phù hợp". Minh Quang là xã miền núi khó khăn của huyện Ba Vì, có đồng bào dân tộc Mường và Kinh sinh sống. Đợt tổng điều tra này thực hiện ở 2.665 hộ, có ý nghĩa rất quan trọng trong định hướng phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo.
Theo chân đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo (BCĐ) TP trong những ngày qua, PV Hànộimới nhận thấy, công tác điều tra ở các địa phương diễn ra cơ bản thuận lợi. Tại các hộ gia đình, ĐTV tới làm việc được tiếp đón chu đáo, tạo mọi điều kiện. Đối với ĐTV, quá trình thực hiện công việc suôn sẻ. Một số nhầm lẫn nhỏ trong quá trình hỏi, điền thông tin của ĐTV đã được BCĐ các cấp điều chỉnh ngay sau ngày đầu tiên để tránh lỗi mang tính hệ thống.
Hoạch định chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn
Đợt tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản của Hà Nội lần này có ý nghĩa quan trọng, đánh giá thực trạng, phân tích xu thế biến đổi để xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn và cải thiện mức sống của cư dân nông thôn. Cuộc điều tra cũng là dịp đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, là cơ sở cho các địa phương thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Ông Vũ Văn Tấn, Cục phó Cục Thống kê Hà Nội (cơ quan thường trực của BCĐ TP) cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của cuộc tổng điều tra, các bước chuẩn bị đã được thực hiện kỹ lưỡng, từ công tác tuyên truyền đến lập bảng kê, tuyển và tập huấn cho ĐTV và sẵn sàng các phương tiện, vật tư cần thiết.
Phạm vi cuộc tổng điều tra bao gồm điều tra toàn bộ các hộ ở nông thôn và các hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản ở thành thị; các trang trại, UBND các xã và điều tra chọn mẫu đối với các hộ ở nông thôn nhằm phục vụ nghiên cứu chuyên sâu. Khối lượng đối tượng điều tra trên địa bàn TP rất lớn, theo thống kê, có 6.113 địa bàn điều tra với hơn 960 nghìn hộ điều tra toàn bộ (kết thúc điều tra ngày 15-7); 1.920 hộ mẫu, 1.006 trang trại theo tiêu chí mới và 401 UBND các xã (kết thúc điều tra ngày 30-7). Trong các địa phương điều tra lần này, số lượng nhiều nhất là huyện Đông Anh, hơn 83 nghìn hộ điều tra ở 485 địa bàn và ít nhất là quận Tây Hồ hơn 1 nghìn hộ. BCĐ các cấp đã trưng tập hơn 8.000 ĐTV, tổ trưởng và giám sát viên. Để chuẩn bị cho cuộc điều tra thành công tốt đẹp, BCĐ các cấp đã cung cấp cho các địa bàn đầy đủ tài liệu, văn phòng phẩm, phiếu điều tra đúng theo thời gian quy định.
Ông Nguyễn Châu Hà, Cục phó Cục Thống kê Hà Nội cho biết, mặc dù cuộc điều tra rơi vào thời điểm nông dân thu hoạch lúa xuân, sản xuất vụ mùa nhưng với sự chỉ đạo sát sao của BCĐ Trung ương; UBND TP; UBND các quận, huyện, thị xã và sự nỗ lực của ĐTV, chắc chắn công tác điều tra của TP Hà Nội sẽ hoàn thành đúng tiến độ và thu được kết quả tốt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.