(HNM) - Số ca mắc Covid-19 (F0) gia tăng từng ngày tại Hà Nội, trong đó có nhiều lao động phải nghỉ việc, thu nhập giảm sút. Trong khi đó, nhiều ngày qua, số lao động chưa xin được giấy xác nhận hết thời hạn cách ly và giấy hưởng bảo hiểm xã hội rất nhiều, gây tâm lý lo lắng. Trước thực tế này, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn đã có nhiều biện pháp bảo đảm hỗ trợ, động viên, tạo điều kiện cho người lao động có cơ sở hưởng trợ cấp theo quy định.
Còn nhiều khó khăn về thủ tục
Anh Đặng Đình Giang, nhân viên văn phòng Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai) cho biết, từ ngày 8-2 anh bị F0 phải thực hiện cách ly 14 ngày theo yêu cầu của địa phương. Tuy nhiên, khi đến xin xác nhận, trạm y tế địa phương chỉ xác nhận thời hạn cách ly cho anh 7 ngày. Do phải đi lại nhiều lần nên anh Giang đành chấp nhận nộp quyết định cách ly cho công ty để chờ hưởng thanh toán chế độ bảo hiểm xã hội. Phía công ty đã chi trả chế độ ốm đau số tiền 300.000 đồng/lao động để động viên người lao động theo quy định.
Một khó khăn khác mà nhiều lao động tại Công ty TNHH Điện tử Asti Hà Nội (Khu công nghiệp Quang Minh) đang vướng phải đó là thiếu giấy tờ để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội sau khi nghỉ việc do mắc Covid-19. Theo Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Asti Hà Nội Nguyễn Đức Nhân, có thời điểm 500 lao động của công ty cùng nghỉ việc do là F0; tuy nhiên, nhiều người chỉ lấy được giấy xác nhận hết thời hạn cách ly, đa số thiếu giấy chứng nhận nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội. Trước tình huống này, công ty phải hướng dẫn người lao động quay trở lại địa phương xin đủ, đúng mẫu giấy xác nhận, tránh mất thời gian.
Tương tự, chị Nguyễn Diệu L. (phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng) cho biết, hơn một tháng qua chị xin giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội để nộp cho cơ quan sau khi bị F0 nhưng vẫn chưa được. Bởi, quy định để được cấp giấy nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội là phải đề nghị tại thời điểm người lao động đang là F0, khi khỏi bệnh thì trạm y tế phường mới cấp giấy cho người lao động; trong khi, đang là F0, trong diện cách ly, người lao động không thể đi nộp hồ sơ được.
Trước những khó khăn, bất cập nêu trên, nhiều địa phương đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ khai báo qua biểu mẫu Google form để các bệnh nhân F0 kê khai thông tin, công bố các số điện thoại đường dây nóng và thành lập các nhóm Zalo kết nối với bác sĩ để tư vấn, hỗ trợ F0 kịp thời.
Nhanh chóng hỗ trợ người lao động
Theo Phó Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) Nguyễn Thị Ngọc Ánh, thực hiện khai báo y tế qua Google form tại phường đã tạo thuận tiện trong quản lý, hỗ trợ chăm sóc F0, cũng như giúp người lao động thực hiện thủ tục hành chính nhanh chóng, thuận tiện.
Cũng với tinh thần linh động thích ứng với dịch bệnh, Chủ tịch UBND phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm) Nguyễn Quang Tiến cho biết, việc kê khai thông tin trực tuyến không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động xin xác nhận hưởng bảo hiểm xã hội, mà còn hỗ trợ kịp thời việc điều trị với các F0 khi có các dấu hiệu nặng.
Mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn giải quyết kịp thời việc xác nhận người lao động bị nhiễm Covid-19, tránh trường hợp phải đi lại nhiều lần, gây mất an toàn trong công tác phòng, chống dịch. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng kiến nghị Bộ Y tế khẩn trương ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29-12-2017 để hướng dẫn hồ sơ thủ tục hưởng trợ cấp ốm đau cho phù hợp với tình hình thực tế công tác phòng, chống dịch hiện nay.
Chia sẻ khó khăn với người lao động, các đơn vị, doanh nghiệp đã thực hiện hỗ trợ ốm đau theo quy định của công đoàn. Cụ thể, theo Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai) Phan Thanh Hải, đơn vị đã hỗ trợ chế độ ốm đau cho người lao động mức 300.000-500.000 đồng/người. Thời gian qua, công ty có hơn 1.000 lao động F0, số tiền hỗ trợ ốm đau bệnh tật của công đoàn là nguồn động viên cho người lao động.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động Hà Nội Lê Đình Hùng cho biết, các cấp Công đoàn Thủ đô đã chi từ nguồn ngân sách công đoàn để chăm lo, hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và tổ chức thăm hỏi, động viên 182.030 đoàn viên, người lao động, 2.098 doanh nghiệp có “Tổ An toàn Covid-19”. Ngoài ra, từ ngày 15-12-2021 đến ngày 28-2-2022, người lao động là F0 có triệu chứng nặng, điều trị bệnh từ 21 ngày trở lên tại bệnh viện, cơ sở y tế điều trị Covid-19 theo xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền được hỗ trợ 3 triệu đồng/người; người lao động là F0 điều trị ngoại trú từ 21 ngày trở lên hoặc điều trị nội trú dưới 21 ngày tại bệnh viện, cơ sở y tế điều trị Covid-19 được hỗ trợ 1,5 triệu đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.