Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm hệ thống tòa án hoạt động hiệu quả hơn

Hà Phong| 14/06/2014 06:07

(HNM) - Báo Hànộimới số ra ngày 4-6 có bài viết

- Có ý kiến cho rằng không nên thành lập tổ chức TAND cấp cao trong hệ thống tổ chức của TAND, vì việc này có thể gây "phình" biên chế, xin ông cho biết ý kiến về vấn đề này?

- Tòa án cấp cao nêu trong dự án Luật Tổ chức TAND sửa đổi thực chất là cụ thể hóa, tách 3 tòa phúc thẩm TAND Tối cao 3 miền tại TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội thành 3 tòa cấp cao trong tương lai. Do đó, tôi khẳng định chắc chắn không tăng biên chế, không "phình" tổ chức.

- Với đề xuất tổ chức tòa án khu vực không phụ thuộc vào đơn vị hành chính cũng đang có ý kiến lo ngại sẽ không tạo ra đột phá, vì vấn đề cốt lõi quyết định chất lượng xét xử là trình độ thẩm phán, thưa ông?

- Hiện nay, có tình trạng một số tòa án cấp huyện mỗi năm trung bình chỉ xử mấy chục vụ án. Nhưng, cũng có 5 tòa án cấp huyện năm vừa rồi không xử vụ nào, vậy mà những huyện này vẫn phải bố trí chánh án, phó chánh án, thẩm phán, thư ký, bộ máy văn phòng... rất tốn kém, cồng kềnh và không cần thiết. Nếu tòa án khu vực được thành lập theo địa hạt tư pháp trong cùng một đơn vị hành chính cấp tỉnh (gộp một số tòa án cấp huyện thành tòa khu vực - PV) thì chúng ta sẽ tránh đầu tư dàn trải, lãng phí. Thẩm phán cũng có điều kiện xét xử đủ định lượng các vụ án trong năm chứ không như hiện nay. Tiếp nữa, theo dự án Luật Tổ chức TAND sửa đổi, trong TAND sơ thẩm khu vực có các tòa chuyên trách gồm: Tòa hình sự, Tòa dân sự, Tòa hành chính, Tòa kinh tế, Tòa lao động, Tòa gia đình và người chưa thành niên, Tòa giản lược. Đây cũng là cơ sở để chúng ta chuyên môn hóa đội ngũ, chuyên môn hóa công tác đào tạo, bồi dưỡng.

- Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị thu gọn lại nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án Quân sự theo hướng: Chỉ xét xử các tội xâm phạm nghĩa vụ trách nhiệm quân nhân, các vụ án liên quan đến bí mật quân sự. Với vai trò Chánh án Tòa án Quân sự TƯ, ông có suy nghĩ gì?

- Về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án Quân sự, qua thảo luận, chúng tôi thấy đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội đều nhất trí. Tuy nhiên, quá trình thẩm tra, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, để phù hợp với Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị cần sửa đổi theo hướng phóng viên vừa nêu. Thực tế, sau khi có Nghị quyết 49, Quân ủy TƯ đã thận trọng xem xét, sau đó xây dựng đề án để nghiên cứu vấn đề thẩm quyền Tòa án Quân sự trong vòng hai năm, sau đó đã ban hành Nghị quyết 67 của Quân ủy TƯ và dự án luật Tổ chức TAND sửa đổi, khẳng định lại thẩm quyền của Tòa án Quân sự là: Xét xử những vụ án hình sự mà bị cáo là quân nhân tại ngũ, công chức, viên chức, công nhân quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu; những người được trưng tập làm nhiệm vụ quân sự do các đơn vị quân đội trực tiếp quản lý; các tội phạm xảy ra ở địa phương trong thời gian thi hành lệnh thiết quân luật của Chủ tịch nước... Tòa án Quân sự cũng có trách nhiệm xét xử những vụ án hình sự mà việc phạm tội có liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại cho quân đội, giải quyết các việc khác theo quy định của pháp luật mới phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay.

- Nhưng, dựa trên cơ sở nào để đề xuất mở rộng thẩm quyền của Tòa án Quân sự so với Luật Tổ chức TAND năm 2002, thưa ông?

- Sở dĩ chúng tôi đề nghị như vậy, vì đối với quân nhân phạm tội thì bất cứ là phạm tội, xâm phạm nghĩa vụ trách nhiệm quân nhân hay phạm tội nào khác đều có thể liên quan đến bí mật quân sự. Một người phạm tội gắn liền với hoạt động điều tra hoặc gắn liền với khám xét, thu giữ tài liệu nơi ở, nơi làm việc. Như vậy, khi một quân nhân phạm tội mà để cơ quan điều tra dân sự vào nơi ở hoặc nơi làm việc của quân nhân để khám xét, thu giữ tài liệu... việc đó liên quan rất lớn đến bí mật quân sự.

Triển khai theo hướng dự án luật đề cập sẽ bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp toàn diện của Quân ủy TƯ và cấp ủy Đảng trong quân đội đối với hoạt động điều tra, truy tố xét xử trong quân đội. Nghiên cứu thực tiễn thi hành pháp luật ở tất cả các nước thì không có một quốc gia nào giao quân nhân phạm tội cho tòa án bên ngoài xét xử, tất cả quân nhân phạm tội đều do Tòa án Quân sự xét xử.

- Hiến pháp năm 2013 đã xác định TAND là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp. Nhưng, tại sao "quyền tư pháp" chưa được xác định cụ thể trong dự án Luật Tổ chức TAND sửa đổi để TAND các cấp có cơ sở thực hiện đầy đủ chức năng, quyền hạn của mình?

- Tôi cho rằng, chức năng này cần được nhận thức đầy đủ trong các luật khác nhau khi quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của TAND, gồm có Luật Tổ chức TAND, Luật Tố tụng tư pháp, thậm chí trong các luật khác như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Bảo hiến... Trong một luật không thể nào thể hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn của TAND trong thực hiện quyền tư pháp, cố gò vào sẽ gây những tranh cãi không cần thiết.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm hệ thống tòa án hoạt động hiệu quả hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.