Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm dân chủ, nâng cao hiệu quả công tác bầu cử

Thành Tâm| 09/11/2010 06:32

(HNM)- Đáp ứng chủ trương tiến hành bầu cử đồng thời đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011- 2016, tại kỳ họp lần này, QH dành nhiều thời gian thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH và Luật Bầu cử ĐB HĐND.


Qua thảo luận, đa số ĐB tán thành với phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án luật, theo đó chỉ tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung các vấn đề thật sự cấp bách nhằm tháo gỡ những vướng mắc khi thực hiện bầu cử chung ĐBQH và ĐB HĐND trong cùng một ngày. Các ĐB cho rằng, ngoài những ý nghĩa tích cực, vấn đề quan trọng nhất trong việc sửa đổi, bổ sung các điều khoản của 2 dự án luật trên là phải bảo đảm mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bầu cử. Các ĐB Nguyễn Hồng Nhị (Nghệ An), Trần Thị Dung (Điện Biên), Lê Quốc Dung (Thái Bình)... đề xuất, thời gian công bố ngày bầu cử cần sớm hơn là 120 ngày so với 105 ngày như dự thảo. Việc này xuất phát từ thực tế là quá trình chuẩn bị cho công tác bầu cử rất nhiều việc, tính chất khó khăn, phức tạp, với 5 vòng hiệp thương, đã được chỉ rõ qua thực tế các kỳ bầu cử vừa qua.

Cũng với quan điểm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bầu cử, các ĐB đề nghị, luật cần cụ thể hóa các quy định về hội đồng bầu cử ở TƯ, các tổ chức phụ trách bầu cử; số lượng cử tri tại mỗi khu vực bỏ phiếu; quy định về mẫu thẻ cử tri, phiếu bầu; cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn việc tổ chức hội nghị cử tri ở nơi làm việc và nơi cư trú, thành phần và số lượng nhân sự trong các cơ quan phục vụ bầu cử...

Yêu cầu, mục tiêu được nhiều ĐB nhấn mạnh, coi đó là yếu tố tiên quyết cả việc sửa đổi các luật về bầu cử là phải bảo đảm và ngày càng thể hiện được tính dân chủ. ĐB Lê Quốc Dung (Thái Bình) khẳng định, dù quá trình sửa đổi, ban hành và thực thi luật có gấp gáp cũng vẫn phải bảo đảm mục tiêu phát huy quyền làm chủ của cử tri, nâng cao chất lượng ĐBQH và HĐND các cấp.

Một trong những nội dung được coi là sẽ thể hiện tính dân chủ là việc quy định về số người trong danh sách ứng cử ở mỗi đơn vị bầu cử ĐBQH. ĐB Lương Phan Cừ (Đắc Nông) nêu thực trạng qua các kỳ bầu cử vừa qua là có đơn vị bầu cử có số dư người ứng cử quá ít, khiến quá trình bầu cử chưa phản ánh được thực chất sự lựa chọn của nhân dân. ĐB Lương Phan Cừ minh họa thêm rằng, trong khi đó, trong các hoạt động bầu cử của Đảng, quy định về số dư ĐB đề cử, ứng cử, được đảng viên, nhân dân hết sức hoan nghênh, thể hiện được xu hướng dân chủ. Về vấn đề này, ĐB Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu), Trần Văn Tấn (Tiền Giang) và nhiều ĐB khác kiến nghị, trong quá trình hiệp thương, đến khi chốt danh sách bầu cử, số ĐB ứng cử phải thể hiện số dư ít nhất là 2.

Đứng dưới góc độ bình đẳng giới, ĐB Sùng Thị Chư (Yên Bái), Trần Thị Dung (Điện Biên) đề cập vấn đề tỷ lệ ĐB nữ trong các vòng hiệp thương, giới thiệu nhân sự để bầu cử. ĐB Sùng Thị Chư đề nghị, với việc bầu cử QH, phải có cơ cấu "cứng" số đại biểu nữ là 30%. ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cũng nêu cụ thể, tỷ lệ ĐB nữ chuyên trách phải từ 35 đến 40%.

Các ĐBQH còn đề cập những vấn đề mang tính chất "kỹ thuật" rất cụ thể, một trong những điểm đó là yêu cầu về tiêu chuẩn ĐB cần được công khai rõ ràng trước bầu cử, trong hiệp thương để nhân dân kiểm tra, đánh giá. ĐB Hoàng Thị Bình (Cao Bằng) yêu cầu, luật cần quy định rõ về tiêu chuẩn ĐBQH, ĐB HĐND; trong cơ cấu, ĐB không nên "gánh" quá nhiều "vai" (vừa là nữ, vừa là dân tộc thiểu số, vừa là đại diện cơ quan, tổ chức...). Việc kê khai tài sản của các ĐB ứng cử cũng cần được công khai, tránh hình thức. ĐB Trần Mạnh Hùng (Thái Nguyên), Nguyễn Duy Nguyên (Hải Dương) đề nghị, luật cần quy định rõ về công tác giải quyết khiếu nại phát sinh trong quá trình bầu cử...

Qua thảo luận tại hội trường, các đại biểu nhất trí cao về việc cần thiết phải sửa đổi và ban hành sớm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH và Luật Bầu cử ĐB HĐND.

Miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp là đúng ý Đảng, lòng dân
Ngày 8-11, QH đã thảo luận về dự thảo Nghị quyết của QH về việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. Các ĐB bày tỏ đồng thuận về sự cần thiết của nghị quyết. Bởi, chính sách này sẽ thực sự thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn, khuyến khích đầu tư, giảm nhẹ khó khăn, nâng cao đời sống nông dân, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, giữ vững an ninh lương thực quốc gia, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền.

ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) khẳng định, bà con nông dân cả nước đang trông chờ việc ban hành nghị quyết này và với tư cách là người đại diện cử tri vùng sản xuất nông nghiệp, ĐB nhất trí cao với thời hạn miễn, giảm thuế là 10 năm (2011-2020) như dự thảo nghị quyết. ĐB Trần Văn Kiệt (Vĩnh Long) nhấn mạnh thêm, việc ban hành nghị quyết về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp là hợp với ý Đảng, lòng dân. Thực chất, hằng năm thuế thu được trên lĩnh vực này không lớn (hơn 2 nghìn tỷ), chỉ đủ chi cho bộ máy thu thuế. Trong khi đó, người nông dân còn vất vả do thiên tai liên tiếp xảy ra.

Bên cạnh đó, các ĐB cũng nêu thực trạng và kiến nghị một số giải pháp để việc sử dụng đất nông nghiệp đúng mục đích, đem lại hiệu quả thiết thực cho công tác xóa đói, giảm nghèo. ĐB Nguyễn Hồng Diện (Hậu Giang) đề nghị, bên cạnh việc miễn giảm, thuế cần có chính sách giám sát việc sử dụng đất đúng mục đích, miễn giảm đúng đối tượng. ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) đề xuất cần phải quy định hạn mức 50% đối với một số loại đất để thể hiện nhận thức miễn, giảm thuế nông nghiệp không chỉ là chính sách mà còn là công cụ quản lý, trong đó, kê khai thuế cũng là hình thức quản lý đất đai. Với quan điểm đó, ĐB đề nghị bổ sung thêm chế tài với việc để đất nông nghiệp hoang hóa 1 năm hoặc sử dụng không đúng mục đích thì phải đóng 100% thuế, như thế mới kiểm soát được đất đai có dấu hiệu bị đầu cơ...


ĐB Đặng Thị Huyền Thái (Hà Nội): Nguyên tắc là bảo đảm dân chủ thực sự
Khi tổng kết các cuộc bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND gần đây năm 2002 - 2007 đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục sửa đổi để việc bầu cử thực sự dân chủ hơn, tránh hình thức và nâng cao hơn nữa chất lượng ĐBQH và ĐB HĐND, từ đó nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động của QH, HĐND. Vấn đề này là tâm nguyện và kiến nghị của cử tri cả nước gửi tới QH nhiều năm qua. Điều đó càng có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc bầu cử ĐBQH năm 2011 trong bối cảnh nước ta đã hội nhập khá toàn diện với thế giới, khu vực trong bối cảnh kinh tế - xã hội có nhiều biến động lớn, khó khăn và thách thức lớn, trong tình hình dân trí ngày càng cao và xu thế dân chủ ngày càng cao. Tôi đề nghị xem xét đây là một nguyên tắc trong quan điểm sửa đổi luật.

ĐB Hoàng Thương Lượng (Yên Bái): Về lâu dài, cần phải xây dựng một luật chung
Việc sửa đổi Luật Bầu cử ĐBQH và Luật Bầu cử ĐB HĐND để thực hiện cùng một lúc trong tháng 5-2011 có thuận lợi là bảo đảm cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo bầu cử được tập trung. Việc này cũng tiết kiệm được về thời gian và chi phí cho công tác bầu cử, đặc biệt là đối với cấp cơ sở.

Theo tôi, việc sửa đổi mới chỉ phục vụ việc bầu cử trước mắt. Về lâu dài, cần phải xây dựng một luật chung về bầu cử. Để bảo đảm quyền dân chủ và sự lựa chọn dân chủ trực tiếp của cử tri, nên nghiên cứu xây dựng thành một luật để tạo sự thống nhất và thực hiện được quyền lựa chọn của người dân cho rộng rãi, đồng thời nâng cao chất lượng của ĐBQH và ĐB HĐND các cấp.


Thành Đô
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm dân chủ, nâng cao hiệu quả công tác bầu cử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.