Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm cung cấp vắc xin phòng Covid-19 công bằng: Chìa khóa vượt qua đại dịch

Thùy Dương| 04/10/2020 06:25

(HNM) - Người đứng đầu Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) Seth Berkley vừa kêu gọi các nước chưa tham gia Cơ chế tiếp cận toàn cầu vắc xin Covid-19 (COVAX) hãy cùng chung tay với các nỗ lực của cộng đồng quốc tế để tài trợ cung cấp vắc xin cho các nước có thu nhập thấp và trung bình. Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, sự tiếp cận công bằng và hợp lý đối với vắc xin cho tất cả mọi người là chìa khóa để các nước cùng vượt qua đại dịch Covid-19.

Kế hoạch của Cơ chế tiếp cận toàn cầu vắc xin Covid-19 (COVAX) nhằm bảo đảm các nước có thu nhập thấp được mua và tiếp cận công bằng vắc xin phòng Covid-19.

Trong bối cảnh một số quốc gia ở châu Âu, châu Á đã và đang chứng kiến làn sóng bùng phát dịch thứ hai, vắc xin được xem là hy vọng lớn nhất để ngăn chặn hoàn toàn đại dịch Covid-19. Hiện chính phủ một số quốc gia có tiềm lực kinh tế hàng đầu thế giới đã kịp đầu tư hàng tỷ USD vào quá trình nghiên cứu và sản xuất để giành quyền ưu tiên tiếp cận vắc xin. Tổ chức Oxfam (Anh) mới công bố, nhóm các quốc gia phát triển chỉ chiếm 13% dân số thế giới nhưng đã đặt mua hơn một nửa số lượng vắc xin phòng Covid-19 tiềm năng. 

Rõ ràng, thế giới đang diễn ra cuộc cạnh tranh “khốc liệt” nhằm sở hữu vắc xin Covid-19. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, hệ quả của cuộc chạy đua này là giá cả leo thang và nguồn cung hạn chế, đặt ra khó khăn đối với các nước nghèo trong tiếp cận vắc xin.

Trước thực tế đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), GAVI và Liên minh đổi mới sẵn sàng ứng phó đại dịch (CEPI) đã cùng khởi xướng và điều hành COVAX. Cơ chế này được thành lập nhằm khuyến khích các chính phủ đẩy mạnh phát triển vắc xin Covid-19, tập trung ưu tiên tiêm vắc xin cho những người có nguy cơ cao nhất ở mọi quốc gia cũng như tài trợ cung cấp vắc xin cho các nước nghèo.

COVAX giúp người dân trên thế giới được tiếp cận với vắc xin Covid-19 giá rẻ hơn, qua đó có thể chấm dứt đại dịch đã cướp đi sinh mạng của hơn 1 triệu người trên toàn cầu. Mục tiêu của COVAX là đến cuối năm 2021 sẽ cung cấp 2 tỷ liều vắc xin trên khắp thế giới. Các nước giàu tham gia COVAX sẽ hỗ trợ tài chính cho việc mua vắc xin ngừa Covid-19 từ ngân sách quốc gia của mình và hợp tác, hỗ trợ vắc xin cho 92 quốc gia nghèo thông qua các khoản đóng góp tự nguyện. COVAX hiện có danh mục vắc xin Covid-19 đa dạng và lớn nhất thế giới, bao gồm 9 loại vắc xin tiềm năng cùng 9 loại vắc xin đang được thử nghiệm và đàm phán.

Mặc dù vậy, việc thực hiện kế hoạch trên có thể gặp khó khăn nếu không có sự cam kết từ các nước lớn và giàu có trên thế giới. COVAX đặt mục tiêu huy động được 2 tỷ USD vào cuối năm nay cho việc nghiên cứu và phát triển vắc xin nhưng thực tế đến nay số tiền các nước giàu đóng góp cho COVAX mới được gần một nửa. Quan trọng hơn, một trong những trở ngại lớn nhất mà COVAX đang gặp phải là các quốc gia mạnh về kinh tế đã ký kết thỏa thuận độc quyền mua vắc xin Covid-19 từ hầu hết các nguồn cung cấp tiềm năng trên thế giới đến năm 2021. 

Trong khi đó, Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Nga không có ý định tham gia dự án. Theo ông S.Berkley, hiện đã có 168 quốc gia tham gia COVAX, trong đó có 76 nước giàu đủ khả năng tự chi trả vắc xin. Ông kêu gọi các nước còn đang cân nhắc hãy tham gia liên minh càng sớm càng tốt bởi nhân loại đang đứng trước một kẻ thù chung có tên Covid-19.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus từng cảnh báo, các nước giàu hơn dù có sở hữu vắc xin vẫn không thể trở thành những "thiên đường an toàn" trước vi rút SARS-CoV-2 nếu những nước nghèo điêu đứng vì dịch bệnh. Thế nên, chỉ có sức mạnh của tinh thần đoàn kết, đồng lòng và chia sẻ, đặc biệt trong sản xuất và tiếp cận, chia sẻ vắc xin, mới có thể giúp thế giới giành thắng lợi trong cuộc chiến khó khăn phía trước với dịch Covid-19.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm cung cấp vắc xin phòng Covid-19 công bằng: Chìa khóa vượt qua đại dịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.