Xây dựng

Bảo đảm chỗ ở cho công nhân: Cần sự vào cuộc quyết liệt

Dạ Khánh 24/09/2023 14:30

Cả nước hiện đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng khoảng 62.700 căn hộ, mới đáp ứng được gần 30% nhu cầu của công nhân lao động. Yêu cầu bảo đảm nhu cầu chỗ ở cho người lao động phù hợp với điều kiện, thu nhập đang rất cấp thiết.

quang-canh-toa-dam.jpg
Quang cảnh tọa đàm.

Nhu cầu chỗ ở lớn

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện cả nước có 3,78 triệu công nhân lao động trực tiếp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Trong số đó, có khoảng 1,8 triệu lao động có nhu cầu về nhà ở. Tuy nhiên, kết quả phát triển nhà ở xã hội cho công nhân chưa đáp ứng được nhu cầu. Cụ thể, đến nay, cả nước đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 126 dự án, quy mô xây dựng khoảng 62.700 căn hộ, tổng diện tích hơn 3,1 triệu m2, mới đáp ứng được gần 30% nhu cầu của công nhân lao động.

Thiếu nhà ở trong các khu công nghiệp là một trong nhiều nguyên nhân khiến công nhân tìm thuê và mua những căn hộ không bảo đảm điều kiện sống. Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ chương trình, Dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) Tạ Việt Anh bày tỏ, vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân mới đây còn cho thấy rõ tình trạng tồn tại không ít nhà ở thiếu an toàn, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh… hoặc các tỉnh, thành có các khu công nghiệp quy mô lớn.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác chăm lo, giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân, đặc biệt hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách, công nhân, người lao động. Tuy nhiên, nhu cầu là rất lớn, Nhà nước không đủ nguồn lực, vì vậy, rất cần khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội cùng tham gia phát triển. Chính phủ cũng đã ban hành Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Hiện Bộ Xây dựng với vai trò là cơ quan chủ trì đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương từng bước triển khai mục tiêu này.

nguyen-manh-ha.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ tại tọa đàm.

Để công tác phát triển nhà ở công nhân thành công

Để Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021- 2030” (Đề án) của Chính phủ có thể thành hiện thực, tại cuộc tọa đàm “Bảo đảm chỗ ở an toàn cho công nhân: Từ mục tiêu đến hành động” do Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp Tổ chức ActionAid quốc tế tại Việt Nam (AAV), Quỹ Hỗ trợ chương trình, Dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) tổ chức sáng 24-9 tại Hà Nội, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc sửa đổi quy định pháp luật, việc dành quỹ đất, nguồn vốn, thì sự vào cuộc quyết liệt, sát sao của các cấp chính quyền quyết định sự thành công của Đề án.

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà bày tỏ: Đề án đưa ra các nhiệm vụ, mục tiêu rất cụ thể, trên cơ sở rà soát, đăng ký của các địa phương. Trong đó, Hà Nội đăng ký hoàn thành phát triển 56.520 căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong giai đoạn 2021-2030. Đề án cũng nêu nhiều giải pháp triển khai từ cấp Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, để Đề án thành hiện thực, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Địa phương nào có quyết tâm cao, chỉ đạo sát sao thì việc thực hiện sẽ nhanh và hiệu quả.

Bên cạnh đó, vấn đề quan trọng không kém là nguồn vốn vay ưu đãi dành cho phát triển loại hình nhà ở này. Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng mặc dù có lãi suất thấp hơn so với lãi suất cho vay thương mại từ 1,5-2%, song vẫn là cao so với người thu nhập thấp. Ngoài ra, lãi vay đang thả nổi dựa trên lãi suất ngân hàng các thời điểm nên không ổn định, không thể vay dài hạn được.

“Căn cơ vẫn phải có nguồn vốn ổn định, lãi vay ổn định, thời hạn trả nợ dài (trên 15 năm). Theo kinh nghiệm của các nước có chương trình phát triển nhà ở xã hội tốt, như: Hàn Quốc, Singapore thường có Quỹ phát triển nhà ở xã hội lớn, trong đó có 1 phần đóng góp của Chính phủ, trái phiếu nhà ở, đóng góp của người mua. Có quỹ đó mới có lãi suất hợp lý, thời gian trả nợ dài, đủ để người thu nhập thấp kham nổi”- ông Hà nói.

Trưởng ban Quản lý Dự án Thiết chế công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Lê Văn Nghĩa cho rằng, Chính phủ, các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành cần xem xét, có cơ chế tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; có cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư tham gia. Bên cạnh đó, về quỹ đất, có tỉnh có quỹ đất đủ để thực hiện, có tỉnh không, rất cần Trung ương đứng ra điều tiết, để bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu phát triển nhà ở Đề án đặt ra.

“Là một trong những đối tượng được Chính phủ giao thực hiện Đề án, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã có đề xuất sửa đổi quy định pháp luật; đồng thời đã tiết giảm, thành lập quỹ để phát triển nhà ở cho công nhân. Theo định hướng, Tổng Liên đoàn sẽ thực hiện xây dựng nhà ở chỉ dành để cho thuê. Đây cũng là loại hình nhà ở phù hợp với công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất. Hy vọng trong thời gian, khi ba luật: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được thông qua sẽ kích cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân”- ông Lê Văn Nghĩa bày tỏ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm chỗ ở cho công nhân: Cần sự vào cuộc quyết liệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.