Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm chất lượng tuyển sinh, đào tạo nghề: Tăng gắn kết với thị trường

Hà Hiền| 28/04/2020 07:05

(HNM) - Hiện tình trạng lao động phổ thông bị mất việc, giảm giờ làm gia tăng ở nước ta cũng như nhiều quốc gia trên thế giới do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong khi đó, dự báo, thị trường lao động, việc làm tại Việt Nam sẽ phục hồi trong tương lai gần, nên rất cần nguồn nhân lực có chất lượng để có thể vượt qua khó khăn, tận dụng cơ hội bứt phá. Vì vậy, giải pháp quan trọng nhằm tăng kết nối với thị trường là nâng cao tay nghề cho người lao động thông qua việc bảo đảm chất lượng tuyển sinh, đào tạo nghề năm 2020.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ khởi động tuyển sinh, tư vấn hướng nghiệp từ đầu tháng 5 tới.

Gia tăng nhu cầu học nghề

Anh Lê Huy Khang, trú tại ngõ 11 phố Nguyễn Quý Đức, phường Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân) cho biết, anh phải nghỉ việc tạm thời tại một nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống trên đường Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa) từ đầu tháng 3-2020 đến nay. Sau khi thành phố nới lỏng việc giãn cách xã hội, nhà hàng nơi anh Khang từng làm việc cũng chuẩn bị hoạt động trở lại, nhưng bản thân anh không nhận được thông báo sẽ đi làm.

“Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống gặp nhiều khó khăn, nhà hàng nơi tôi từng làm việc chỉ ưu tiên giữ lại những nhân viên vững tay nghề. Nếu tôi muốn tiếp tục làm công việc cũ, thì tôi phải đăng ký học nghề nấu ăn, nhà hàng - khách sạn…”, anh Khang cho biết thêm.

Không riêng trường hợp nêu trên, hiện hàng triệu người lao động trên địa bàn Hà Nội cũng như cả nước đang thất nghiệp hoặc tạm thời bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 có nhu cầu học nghề để tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn.

“Hiện Hà Nội có 1,063 triệu người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó riêng nhóm lao động tự do là 850.000 người. Một bộ phận không nhỏ lao động tự do bị mất việc, nghỉ việc là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo nghề và họ đang có nhu cầu, nguyện vọng được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề”, ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội thông tin.

Còn theo Tổng cục Thống kê, đến giữa tháng 4-2020, cả nước có gần 5 triệu lao động bị ảnh hưởng, tạm mất việc làm hoặc bị giãn việc, nghỉ luân phiên. Số lao động thất nghiệp của cả nước là 1,1 triệu người, tăng gần 27.000 người so với cùng kỳ năm trước.

Dưới góc nhìn nghiên cứu, ông Đào Quang Vinh, chuyên gia của Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, việc gia tăng tình trạng người lao động thất nghiệp, mất việc làm đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm, giải quyết. Song, tình trạng này sẽ sớm được khắc phục, nếu người lao động nắm vững kỹ năng nghề, sẵn sàng tâm thế quay trở lại thị trường lao động.

Đổi mới hình thức đào tạo

Trước những diễn biến mới của thị trường lao động, việc làm, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên phạm vi cả nước đã thay đổi kế hoạch tuyển sinh, đổi mới hình thức đào tạo nghề năm 2020 để duy trì và phát triển.

Theo bà Phạm Thị Hường, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, năm 2020, ngoài kế hoạch tuyển sinh hơn 1.000 chỉ tiêu hệ cao đẳng, trung cấp, nhà trường không giới hạn chỉ tiêu tuyển sinh hệ sơ cấp. Đối tượng mà Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội hướng tới là người lao động phổ thông bị mất việc làm, có nhu cầu học nghề.

Cùng với đó, hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin để bảo đảm chất lượng đào tạo nghề trong thời gian có dịch Covid-19. Đơn cử, Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội đã áp dụng chương trình đào tạo trực tuyến trên nền tảng E-Learning từ đầu tháng 3-2020 đến nay, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.

Anh Nguyễn Lê Việt, thôn Lai Xá, xã Kim Chung (huyện Hoài Đức) đánh giá: “Học trực tuyến giúp người học có thể vừa đi làm tại đơn vị, doanh nghiệp, vừa hoàn thành nhiệm vụ học tập tại trường học. Vì thế, tôi sẽ đăng ký học trực tuyến tại Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội với nghề tôi yêu thích là thiết kế trang web”. Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác hiện có tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia đào tạo trực tuyến chiếm tỷ lệ cao là Trường Cao đẳng FPT, Trường Cao đẳng quốc tế thành phố Hồ Chí Minh, Trường Cao đẳng Du lịch Nha Trang...

Để thu hút người lao động tham gia học nghề, ngoài sự nỗ lực của các nhà trường, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã yêu cầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm tiến hành thu thập, phân tích thông tin về thị trường lao động, từ đó xây dựng kế hoạch tuyển sinh, đào tạo nghề cho sát nhu cầu, bảo đảm chất lượng.

“Với hướng đi này, thành phố Hà Nội kỳ vọng sẽ đạt mục tiêu nâng cao trình độ tay nghề cho hơn 200.000 người, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo ở Hà Nội từ 67,5% vào cuối năm 2019, lên 70,2% vào cuối năm 2020”, bà Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho hay.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, từ đầu tháng 5-2020 tới, hệ thống giáo dục nghề nghiệp sẽ đẩy mạnh công tác tuyển sinh, phấn đấu đến cuối năm, cả nước tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề cho hơn 2 triệu lượt người, trong đó ưu tiên đào tạo cho lực lượng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm chất lượng tuyển sinh, đào tạo nghề: Tăng gắn kết với thị trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.