Sức khỏe

Bảo đảm an toàn thực phẩm tại các làng nghề

Đỗ Minh 26/08/2023 - 07:28

Thành phố hiện có khoảng 200 làng nghề sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Những năm qua, công tác an toàn, vệ sinh thực phẩm tại các làng nghề luôn là chủ đề “nóng”.

Giải quyết thách thức này, cùng với việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, thay đổi tư duy trong kinh doanh thực phẩm an toàn, nhất là nhiều cơ sở sản xuất làng nghề đã chuyển vào khu, cụm công nghiệp, nên vấn đề môi trường, an toàn thực phẩm đã từng bước được khắc phục.

san-xuat-gio-cha-tai-lang-.jpg
Sản xuất giò, chả tại làng nghề Ước Lễ (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai).

Thay đổi tư duy sản xuất

Nổi tiếng hơn 500 năm với nghề làm giò, chả, người dân làng nghề Ước Lễ, xã Tân Ước (huyện Thanh Oai) đã chủ động đầu tư máy móc, công nghệ, nhằm đưa ra những sản phẩm giò, chả chất lượng, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Bà Nguyễn Thị Loan, thôn Ước Lễ chia sẻ, nhằm bảo đảm cung ứng ra thị trường những sản phẩm chất lượng, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, gia đình bà đã đầu tư hệ thống máy xay, máy hấp, bảo quản. Không những thế, nguồn thịt nhập làm giò, chả đều được mua tại các khu chăn nuôi an toàn, người lao động được tập huấn quy trình chế biến bảo đảm an toàn thực phẩm.

Theo UBND xã Tân Ước, hiện thôn Ước Lễ còn gần 30 hộ làm nghề giò, chả, hầu hết các hộ đều đầu tư máy móc, dây chuyền chế biến hiện đại, vừa tăng năng suất, vừa bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Không riêng gì làng nghề giò, chả Ước Lễ, tại làng nghề bánh kẹo xã Hoàng Long (huyện Phú Xuyên) cũng đang đổi thay từng ngày. Người làm nghề tại xã Hoàng Long không chỉ đầu tư hệ thống máy móc, sản xuất bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, mà còn cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa các sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Bà Trần Thị Xuân, chủ cơ sở sản xuất bánh kẹo tại xã Hoàng Long cho biết, mỗi ngày gia đình bà sản xuất từ 5 đến 10 tạ bánh kẹo (dịp Tết Nguyên đán có thể lên tới hơn 30 tạ). Cạnh tranh với nhiều sản phẩm bánh kẹo nhập khẩu, gia đình đã chủ động đầu tư máy móc, tích cực đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Tương tự như vậy, ở huyện Hoài Đức, nổi tiếng với nhiều làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm, đến nay, các làng nghề đã chủ động đổi mới, sản xuất sạch, xây dựng thương hiệu. Hiện tại, huyện Hoài Đức có 52/54 làng có nghề, trong đó có 9 làng nghề sản xuất, chế biến thực phẩm được công nhận, là: Làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm Lưu Xá - Đức Giang; làng nghề bánh kẹo, dệt kim La Phù; làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế...

Để thúc đẩy kinh tế từ các làng nghề, tạo sức cạnh tranh trên thị trường, các làng nghề đã đầu tư trang thiết bị hiện đại, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm các tiêu chí an toàn thực phẩm. Nhờ đó, nhiều sản phẩm làng nghề sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm của Hoài Đức đã được đưa vào hệ thống siêu thị và xuất khẩu.

Phát triển các cụm công nghiệp làng nghề

Tuy nhiên, các làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm trên địa bàn Hà Nội vẫn chưa khắc phục triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường cũng như bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, quy mô sản xuất nhỏ hẹp, sản xuất trong khu dân cư, kiến thức về an toàn thực phẩm… còn hạn chế là nguyên nhân khiến các làng nghề chưa phát huy hết giá trị kinh tế so với tiềm năng vốn có.

Để khắc phục điều này, nhiều địa phương đã chủ động quy hoạch các cụm công nghiệp làng nghề, nhằm bảo đảm về quy mô sản xuất, tiêu chí vệ sinh môi trường cũng như đưa làng nghề trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết, huyện đang xin chủ trương thành phố bổ sung quy hoạch 2 khu công nghiệp trên địa bàn huyện để phát triển công nghiệp tập trung gắn với đô thị: Khu công nghiệp Thanh Văn - Tân Ước 350ha; Khu công nghiệp Xuân Dương 120ha. Cả 2 khu này đều phục vụ cho sản xuất tại các làng nghề và thu hút đầu tư từ nguồn vốn của doanh nghiệp. Tại Khu công nghiệp Thanh Văn - Tân Ước sẽ xây dựng khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm giò, chả Ước Lễ và nhiều sản phẩm truyền thống của làng nghề khác.

Huyện Thường Tín cũng phát triển các khu, cụm công nghiệp làng nghề, nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường cũng như an toàn thực phẩm. Đặc biệt, tại các làng nghề sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm, huyện yêu cầu các cơ sở sản xuất, chủ doanh nghiệp phải ký kết các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm.

"Ngoài sự đầu tư, hỗ trợ, tăng cường quản lý của các địa phương, Sở NN&PTNT Hà Nội còn đồng hành cùng với các làng nghề để nắm bắt những khó khăn vướng mắc, đề xuất, kiến nghị thành phố có giải pháp tháo gỡ. Các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tại các làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm cần chủ động chuyển đổi phương thức sản xuất, kinh doanh, đầu tư máy móc hiện đại, nhất là bảo đảm tiêu chí an toàn thực phẩm đối với nguồn nguyên liệu cũng như sản phẩm chế biến. Các địa phương cần lồng ghép các dự án phát triển làng nghề vào định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chung tại địa phương để có những hỗ trợ kịp thời", ông Tạ Văn Tường nói thêm.

Đặc biệt, triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thành phố đã có chính sách hỗ trợ đầu tư, quảng bá, phân loại, xếp hạng các sản phẩm làng nghề. Thời gian tới, thành phố xây dựng, phát triển các trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP. Theo đó, các làng nghề cần chủ động bắt kịp xu hướng từ chất lượng đến mẫu mã. Các địa phương nghiên cứu chiến lược phát triển làng nghề gắn với du lịch cộng đồng để tăng tính quảng bá. Ngoài ra, các làng nghề cần chủ động sản xuất theo chuỗi.

“Sở NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với các địa phương, sở, ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra gắn với hậu kiểm; xử lý nghiêm các vi phạm, nhằm ngăn ngừa các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm trong lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm an toàn thực phẩm tại các làng nghề

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.