Góc nhìn

Bảo đảm an toàn sức khỏe người tiêu dùng

Hà Trang 07/01/2024 - 06:26

Cuối năm, nhiều đối tượng luôn tìm mọi cách để tuồn hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và thực phẩm bẩn vào thị trường tiêu thụ.

Mặc dù các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhái, thực phẩm bẩn… nhưng số vụ vi phạm vẫn không giảm.

Theo thống kê, năm 2023, cơ quan chức năng đã kiểm tra 71.910 vụ, phát hiện, xử lý 52.349 vụ vi phạm (tăng 16% so với năm 2022). Trong đó, lĩnh vực an toàn thực phẩm kiểm tra 8.306 vụ, xử lý 6.773 vụ; hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm về sở hữu trí tuệ và thực phẩm không bảo đảm chất lượng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các đối tượng kinh doanh thường sử dụng nhiều chiêu thức tinh vi như cất giấu hàng khi có mặt cơ quan chức năng, lưu trữ hàng hóa cùng nơi ở tại các khu chung cư cao cấp được kiểm soát chặt chẽ việc ra vào.

Bên cạnh đó, việc các nền tảng mạng xã hội ngày càng phát triển, sẵn sàng đăng quảng cáo bán hàng mà không yêu cầu truy xuất nguồn gốc cũng là “mảnh đất màu mỡ” để nhiều đối tượng lợi dụng. Hệ thống pháp luật và cơ chế chính sách còn nhiều bất cập, sơ hở, nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung...

Để chủ động kiểm soát tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, ngày 8-12-2023, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) đã ban hành Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, với mục tiêu tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương chủ động, kịp thời kiểm soát tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Mới đây, Bộ Y tế cũng đã có văn bản gửi các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả kém chất lượng. Theo đó, các địa phương, đơn vị cần phối hợp với cơ quan truyền thông tăng cường phổ biến các quy định, kiến thức về phòng ngừa, đấu tranh với việc sản xuất, kinh doanh hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, việc quảng cáo làm sai lệch bản sản phẩm hàng hóa trên các trang mạng xã hội, kịp thời cảnh báo nguy cơ không bảo đảm an toàn sức khỏe người tiêu dùng.

Trong thời gian cao điểm trước Tết Nguyên đán, bên cạnh việc xử lý nghiêm vi phạm, các địa phương, đơn vị cần tăng cường phối hợp trao đổi, chia sẻ thông tin về các thủ đoạn, mặt hàng nhái, hàng giả mới xuất hiện để nâng cao kỹ năng phát hiện và đấu tranh phòng ngừa đối với các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Kịp thời phát hiện những bất cập, chồng chéo để kiến nghị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Thực tế cho thấy, để ngăn chặn hiệu quả hàng giả, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong Tết Nguyên đán, bên cạnh sự vào cuộc của các lực lượng chức năng còn đòi hỏi các cơ sở sản xuất, kinh doanh nâng cao ý thức trách nhiệm với cộng đồng, tuân thủ nghiêm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, tuyệt đối không sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc, không an toàn; không quảng cáo sai về bản chất, tác dụng của sản phẩm. Về phía người tiêu dùng, không nên ham rẻ mà sử dụng hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chỉ mua tại những địa chỉ uy tín, bảo đảm chất lượng để tránh mua hàng giả, hàng nhái, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm an toàn sức khỏe người tiêu dùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.