(HNM) - Hơn 78km đê thường xuyên xuất hiện các vị trí mạch đùn, mạch sủi thẩm lậu; 448 cống dưới đê bị hư hỏng nghiêm trọng, cần phải sửa chữa; 220km kè bị sạt lở… Đó là những nguy cơ đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của hệ thống đê điều của cả nước.
Hệ thống đê điều có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác phòng, chống bão, lũ lụt, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân. Bên cạnh đó, hệ thống đê điều cũng là những tuyến đường quan trọng kết nối giao thông giữa các địa phương, khu vực. Hiện cả nước có hơn 9.300km đê, trong đó có 6.400km đê sông và gần 2.900km đê biển. Trên các tuyến đê, có 2.700km đê được phân cấp từ cấp III đến cấp đặc biệt. Đây là các tuyến đê bảo vệ khu vực có dân cư tập trung đông và nhiều công trình hạ tầng quan trọng của đất nước. Những năm qua, mặc dù Nhà nước luôn quan tâm đầu tư kinh phí cho việc tu bổ, sửa chữa và nâng cấp nhưng do chiều dài đê lớn, nguồn kinh phí đầu tư nâng cấp còn có hạn, cho nên hiện tại một số đoạn đê, tuyến đê chưa bảo đảm an toàn trước thiên tai ngày càng cực đoan và khốc liệt.
Ông Phạm Đức Luận, Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều (Tổng cục Phòng, chống thiên tai) cho biết, hiện cả nước vẫn còn 244km đê từ cấp III đến cấp đặc biệt thiếu cao trình, có khả năng bị tràn khi gặp lũ lớn; 726km đê còn nhỏ, hẹp, chưa đủ yêu cầu so với thiết kế; hơn 12km đê thường xuyên xảy ra mạch đùn, mạch sủi, 66km đê bị thẩm lậu, rò rỉ chưa được xử lý; 220km kè bị hư hỏng, sạt lở và còn tồn tại 239 vị trí đê điều trọng điểm, xung yếu cần phải xây dựng phương án bảo vệ... Trong mùa mưa, lũ, bão, hệ thống đê điều xuất hiện nhiều sự cố. Cụ thể, năm 2017 cả nước xảy ra 426 sự cố đê điều. Từ đầu năm 2018 đến nay, trên các tuyến đê đi qua địa phận các tỉnh: Phú Thọ, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa... đã xảy ra 116 sự cố, trong đó có nhiều sự cố nguy hiểm. Để khắc phục toàn bộ các hư hỏng và sự cố đê điều nêu trên, theo tính toán của Tổng cục Phòng, chống thiên tai, ngân sách nhà nước cần phải đầu tư ít nhất khoảng 28.560 tỷ đồng.
Để bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định sử dụng 1.300 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2018 hỗ trợ các địa phương xử lý cấp bách các công trình đê điều do ảnh hưởng của lũ, bão. Hiện nay, các tỉnh, thành phố có đê đang tập trung chỉ đạo và giám sát thực hiện công tác tu bổ, duy tu bảo dưỡng đê điều và công trình liên quan đến đê điều…
Theo ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai, các tỉnh, thành phố cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và cộng đồng về thực trạng hệ thống đê điều, chú trọng công tác hộ đê, xử lý các sự cố đê điều theo phương châm “4 tại chỗ” ngay từ giờ đầu. Đặc biệt, các tỉnh, thành phố cần kiên quyết xử lý, ngăn chặn việc lấn chiếm không gian thoát lũ, chứa lũ; tăng cường công tác kiểm tra trên các tuyến đê kè, lòng sông, bãi sông để phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, dứt điểm các vi phạm nhằm bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều và thông thoáng lòng dẫn.
Cùng với đó, các địa phương tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống đê đáp ứng yêu cầu chịu được lũ lớn, dài ngày; trước mắt cần nhanh chóng xóa những vị trí trọng điểm, xung yếu về đê, kè, cống, không để xảy ra vỡ đê đột ngột…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.