(HNM) - Mùa mưa bão 2017 đã đến, để phòng, chống thiên tai, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, công tác sửa chữa, nâng cấp hệ thống đê điều đang được các ngành chức năng và địa phương trên địa bàn TP Hà Nội nỗ lực đẩy nhanh tiến độ...
Khắc phục sự cố sạt lở bờ sông Bùi, xã Đồng Phú (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Bá Hoạt |
Vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Hà Nội có 626km đê từ cấp đặc biệt đến cấp V, ngoài ra có 41km đê bao, đê bối và gần 133km đê chuyên dùng. Xác định việc duy tu, nâng cấp, sửa chữa và bảo vệ đê điều có vai trò đặc biệt quan trọng, thành phố đã huy động nhiều nguồn lực tu bổ các công trình phòng, chống lũ, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.
Tuy nhiên, trên hệ thống đê sông Hồng, sông Đà, sông Đuống còn nhiều đoạn chưa bảo đảm mặt cắt. Một số đoạn còn tiềm ẩn những ẩn họa khó lường dù các tuyến đê này có vai trò quan trọng ở cấp đặc biệt và cấp I. Hiện nay toàn thành phố có 265km kè bờ sông nhưng mới được đầu tư gia cố chống sạt lở 118,4km, 40km có nguy cơ sạt lở cao và 4km là tuyến kè cũ đã hư hỏng.
Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn 3 trọng điểm, 10 vị trí đê xung yếu cần lập phương án bảo vệ. Mục sở thị tại công trình đê, kè Xuân Canh - cống Long Tửu trên đê tả Đuống thuộc địa bàn huyện Đông Anh chúng tôi nhận thấy: Do nằm giáp bờ sông, mái kè cũng là mái đê, cống xây dựng từ năm 1962, đáy thấp nên khu vực này luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sạt lở.
Tương tự, tại vị trí Kè Khê Thượng (huyện Ba Vì) nằm cách chân đê hữu Đà từ 7 đến 15m và có cống trạm bơm Sơn Đà dưới đê. Hiện tại chân kè đã bị xói sâu do dòng chảy chủ lưu áp sát mái, chân kè. Khi nước lũ dâng cao có thể xảy ra sạt trượt mái đê và sự cố cống trạm bơm Sơn Đà. Ở tuyến đê qua xã Sen Chiểu (huyện Phúc Thọ) vì nằm trên lòng sông cổ nên thường xảy ra mạch đùn, mạch sủi khi mực nước sông Hồng lên báo động 1…
Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội Đỗ Đức Thịnh cho biết, ngoài nguồn lực của thành phố đầu tư nâng cấp công trình đê điều, Bộ NN&PTNT cũng hỗ trợ Hà Nội duy tu, nâng cấp, sửa chữa nhưng mới chỉ xử lý được những đoạn đê xung yếu nhất, nhu cầu thực tế vẫn còn nhiều và cấp bách.
Chủ động các giải pháp khắc phục
Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, từ mùa mưa bão năm 2016 đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 47 sự cố đê điều, trong đó có 9 sự cố về kè ở huyện Ba Vì, Sóc Sơn, Phú Xuyên; 15 sự cố về đê ở huyện Đan Phượng, Gia Lâm, Thanh Oai, Ứng Hòa, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Quốc Oai, Hà Đông; 23 sự cố sạt lở bờ sông ở quận Hai Bà Trưng, Hà Đông, thị xã Sơn Tây, huyện Ba Vì, Phú Xuyên, Đan Phượng, Mê Linh, Đông Anh, Chương Mỹ, Gia Lâm, Ứng Hòa, Sóc Sơn, Mỹ Đức. Nhiều sự cố nghiêm trọng không chỉ ảnh hưởng đến công trình đê điều mà còn đe dọa tính mạng, tài sản của nhân dân.
Tuy nhiên do khó khăn về nguồn vốn, để đáp ứng yêu cầu về công tác phòng, chống thiên tai, từ năm 2016 đến nay, thành phố đã giao các đơn vị liên quan đầu tư 23 dự án xử lý công trình đê điều. Đến nay đã có 3 công trình xử lý sự cố sạt lở bờ sông Đáy tại xã Vạn Thái, xã Sơn Công (huyện Ứng Hòa) và xử lý sự cố nứt đê Mỹ Hà (huyện Mỹ Đức) hoàn thành, chuẩn bị đưa vào sử dụng.
Đối với công trình khắc phục sự cố sạt lở bờ tả sông Bùi, khu vực xã Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) đã hoàn thành hơn 50% khối lượng. Công trình xử lý sự cố sạt lở bờ tả sông Bùi thuộc thôn 5, xã Quảng Bị (huyện Chương Mỹ) hoàn thành hơn 60% khối lượng. Công trình xử lý sự cố sạt lở đê tả Tích, thôn Tiên Trượng, xã Thủy Xuân Tiên (huyện Chương Mỹ) hoàn thành hơn 60% khối lượng. Hiện tại các chủ đầu tư đang hoàn thiện thủ tục, chuẩn bị thi công 17 công trình khắc phục sự cố sạt lở trên tuyến đê hữu Hồng, tả Hồng, tả Đuống, Vân Cốc - Tiên Tân, hữu Cầu, tả Đáy, sông Bùi, Cà Lồ thuộc địa bàn các huyện Chương Mỹ, Ứng Hòa, Thanh Oai, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Đan Phượng, Mê Linh, Gia Lâm, Ba Vì và quận Hai Bà Trưng…
Để bảo đảm an toàn các tuyến đê phục vụ công tác phòng, chống thiên tai năm 2017, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu yêu cầu các sở, ngành liên quan tập trung chỉ đạo khẩn trương hoàn thành công tác tu bổ, xử lý hư hỏng đê điều, hồ đập; thường xuyên kiểm tra, rà soát các tuyến đê, các công trình thủy lợi, hồ đập, phát hiện, tham mưu đề xuất và xử lý kịp thời những sự cố hư hỏng; ưu tiên bố trí vốn để xử lý các sự cố hư hỏng đê điều, công trình phòng, chống thiên tai bảo đảm ổn định lâu dài...
Bên cạnh đó, UBND thành phố cũng đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan bố trí ngân sách trung ương hỗ trợ Hà Nội thực hiện các giải pháp công trình nhằm xóa bỏ các trọng điểm phòng, chống lụt bão, như: Xử lý tổng thể khu vực cửa vào sông Đuống, xã Xuân Canh, huyện Đông Anh…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.