Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm an toàn công trình phòng, chống thiên tai

Kim Nhuệ| 24/12/2021 07:07

(HNM) - Thời gian qua, trên các tuyến đê, sông đi qua địa phận Hà Nội liên tiếp xảy ra các sự cố sạt lở. Để bảo đảm an toàn công trình phòng, chống thiên tai, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó, chú trọng công tác tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng hộ đê cho lực lượng phòng, chống thiên tai...

Thi công xây dựng công trình khắc phục sự cố sạt lở kè bảo vệ đê hữu Hồng (đoạn qua thị xã Sơn Tây).

Những năm qua, thành phố Hà Nội đã dành nhiều nguồn lực đầu tư tu bổ, nâng cấp hệ thống phòng, chống lũ. Vì vậy, các tuyến đê lớn đi qua địa phận thành phố đã cơ bản bảo đảm cao trình chống lũ theo thiết kế. Tuy nhiên, thực tế từ năm 2016 đến nay, trên các tuyến đê của Hà Nội phát sinh 226 sự cố sạt lở gây mất an toàn công trình đê điều. Tính riêng năm 2021, trên các tuyến đê đã xảy ra 35 sự cố; trong đó có nhiều sự cố nghiêm trọng uy hiếp đến an toàn đê. Đơn cử như trên đê hữu Đáy, đoạn xã Đồng Quang (huyện Quốc Oai) xảy ra sự cố sạt lở mặt đê, mái đê dài khoảng 120m, chiều rộng khoảng 0,2m, chênh cao khoảng 0,5m. Trên tuyến đê tả Đáy, đoạn thuộc địa phận các xã: Sơn Công, Đội Bình (huyện Ứng Hòa), Song Phượng (huyện Đan Phượng)... xuất hiện điểm sạt làm hư hỏng mặt đê, mái thượng lưu và hạ lưu đê...

Trưởng phòng Quản lý đê điều (Chi cục Phòng, chống thiên tai Hà Nội) Vũ Duy Hợp cho biết, nguyên nhân dẫn đến các sự cố là do hệ thống đê sông - chủ yếu là công trình đất, được xây dựng và hình thành từ nhiều thế kỷ, qua nhiều thế hệ. Trải qua các trận mưa lớn, đê đã nhiều lần được áp trúc, tôn cao, mở rộng. Tuy nhiên, do được bồi trúc qua nhiều giai đoạn, bằng nhiều loại đất khác nhau và được đắp chủ yếu bằng thủ công, công cụ thô sơ và nền đê không được xử lý nên khi gặp tác động của dòng chảy, mưa kéo dài, mực nước lên cao... hệ thống đê xảy ra sự cố. Mặt khác, nhiều tuyến đê đi qua địa phận Hà Nội hiện chưa bảo đảm yêu cầu theo tiêu chuẩn thiết kế đê, như mái dốc, đê mảnh, thấp, nhiều đầm ao ven đê chưa được lấp... nên tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra sự cố khi có mưa lũ.

Theo Chi cục Phòng, chống thiên tai Hà Nội, khi phát hiện sự cố, hư hỏng công trình đê điều, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các quận, huyện, thị xã đã phối hợp với cơ quan quản lý đê Hà Nội tổ chức lực lượng, vật tư, phương tiện xử lý ngay giờ đầu; không để sự cố phát triển thêm làm ảnh hưởng đến an toàn đê điều. Cơ quan chức năng của thành phố kiểm tra hiện trường, sơ bộ đánh giá nguyên nhân, nhận định diễn biến và báo cáo, đề xuất UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo xử lý khẩn cấp đối với những sự cố nghiêm trọng...

Trên cơ sở đó, Hà Nội đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng khắc phục những sự cố, sạt lở nghiêm trọng để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, an toàn công trình phòng, chống thiên tai... Cụ thể, năm 2018, thành phố đã đầu tư hơn 293 tỷ đồng xây dựng công trình cấp bách khắc phục 18 sự cố; năm 2019, đầu tư gần 653 tỷ đồng khắc phục 41 sự cố và năm 2020 đầu tư gần 198 tỷ đồng khắc phục 9 sự cố... Đối với những sự cố, sạt lở xảy ra trong năm 2021, UBND thành phố Hà Nội đã công bố tình huống khẩn cấp, chỉ đạo các cơ quan khẩn cấp xây dựng công trình khắc phục và phòng, chống sạt lở...

Để bảo đảm an toàn công trình phòng, chống lũ, thời gian tới, Chi cục Phòng, chống thiên tai Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều và các văn bản chỉ đạo của các cấp… thông qua hệ thống phát thanh, truyền hình, báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời, tăng cường công tác phối hợp với các cấp, ngành, địa phương mở các đợt tập huấn nâng cao kỹ năng phát hiện, xử lý các sự cố đê cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp cơ sở.

Liên quan việc này, Trưởng phòng Quản lý phòng, chống thiên tai (Chi cục Phòng, chống thiên tai Hà Nội) Nguyễn Vinh Nguyên cho biết, khi Hà Nội kiểm soát được dịch Covid-19, Chi cục sẽ phối hợp với các địa phương có đê tổ chức diễn tập thực địa công tác bảo vệ, nhất là tại các vị trí đê trọng điểm, xung yếu. Nội dung diễn tập sẽ tập trung các tình huống: Tuần tra phát hiện và xử lý mạch đùn, mạch sủi phía trong thân đê, nước tràn mặt đê, sơ tán và di dân vào khu vực an toàn để tránh bão, siêu bão…

Song hành những giải pháp trên, Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục phối hợp cơ quan chức năng và các địa phương triển khai giải pháp phòng ngừa, xử lý triệt để hành vi xâm hại công trình phòng, chống thiên tai. “Sở NN&PTNT Hà Nội đang tập trung nghiên cứu, đề xuất UBND thành phố về kế hoạch tổng thể đầu tư, nâng cấp hệ thống đê điều, công trình thủy lợi giai đoạn 2021-2025 theo hướng bền vững gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai của Thủ đô...”, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống thiên tai Hà Nội Nguyễn Duy Du thông tin thêm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm an toàn công trình phòng, chống thiên tai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.