(HNM) - Có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với hơn 2,1 triệu học sinh, việc bảo đảm an toàn cho học sinh luôn được ngành Giáo dục Thủ đô xác định là nhiệm vụ quan trọng. Từ những sự cố gây tai nạn thương tích cho học sinh ở một số địa phương trong cả nước thời gian qua, các trường học trên địa bàn thành phố đang rà soát để ngăn chặn kịp thời các nguy cơ mất an toàn ngay từ đầu năm học mới 2020-2021 này.
Vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Trên địa bàn thành phố hiện có hơn 2.800 trường học, hơn 2,1 triệu học sinh mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên. Việc bảo đảm an toàn cho học sinh được toàn ngành xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, là điều kiện quan trọng để dạy - học tốt.
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến, việc bảo đảm an toàn cho học sinh đã được các nhà trường triển khai nghiêm túc, đem lại môi trường giáo dục an toàn, thân thiện. Còn Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai) Lê Việt Dương cho biết, nhiều năm nay, nhà trường phối hợp chặt chẽ với chính quyền, công an địa phương triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn trong và xung quanh khu vực trường, góp phần tạo chuyển biến rõ về ý thức và hành vi của học sinh trong việc chấp hành các quy định về an toàn giao thông cũng như xây dựng môi trường học đường thân thiện, không bạo lực.
Tuy nhiên, môi trường học đường vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, có thể gây mất an toàn cho học sinh, như cơ sở vật chất xuống cấp khiến quạt trần rơi, tường bao đổ, điện chập… Trường hợp học sinh lớp 2 tử vong do điện giật tại một trường học ở huyện Mỹ Đức vào tháng 10-2019 cho thấy, cần có sự kiểm soát chặt chẽ hơn để ngăn ngừa các nguy cơ. Hay việc một học sinh Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (quận Nam Từ Liêm) bị bỏ quên trên xe đưa đón ngày 9-9-2020, dù không để lại hậu quả nghiêm trọng, song cũng cho thấy lỗ hổng của quy trình đưa, đón.
Bà Trần Khánh Mai, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Sài Đồng (quận Long Biên) cho rằng, học sinh thường hiếu động nên còn đối mặt với khá nhiều nguy cơ không an toàn khi chơi đùa ở trường hoặc trên đường đi học.
Tăng cường giáo dục kỹ năng
Sau tai nạn thương tâm của học sinh tại một trường học trên địa bàn tỉnh Lào Cai, ngày 8-9-2020, Văn phòng Chính phủ có Công điện số 7423/CĐ-VPCP, truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất trường lớp học, bảo đảm an toàn cho học sinh ngay từ đầu năm học 2020-2021. Với quyết tâm không để xảy ra tai nạn thương tích cho học sinh, ngành Giáo dục Thủ đô đang đồng thời triển khai nhiều giải pháp.
Rà soát toàn bộ điều kiện cơ sở vật chất, kịp thời ngăn chặn các nguy cơ có thể gây mất an toàn cho học sinh là giải pháp được Trường Trung học phổ thông Tùng Thiện (thị xã Sơn Tây) cũng như nhiều trường học triển khai. “Nhà trường thường xuyên rà soát điều kiện hiện có, đối chiếu với các quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường để đánh giá chất lượng các hạng mục, từ đó lập kế hoạch cải tạo, nâng cấp, không để lọt các nguy cơ mất an toàn. Hệ thống điện và cây xanh là hai hạng mục được lưu tâm, nhất là mùa mưa bão. Nhà trường cũng nhắc nhở học sinh, giáo viên thường xuyên quan sát trần nhà, tường rào… kịp thời phát hiện bất thường để khắc phục ngay”, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Tùng Thiện Lê Anh Tuấn cho hay.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chương Mỹ Nguyễn Đức Hòa cho rằng, là địa bàn có nhiều sông, hồ nên việc trang bị kỹ năng phòng, tránh đuối nước cho học sinh được địa phương coi trọng. Nhiều năm nay, vào dịp hè, huyện đều tổ chức dạy bơi miễn phí cho học sinh. Công tác phối hợp với gia đình để quản lý học sinh ngoài giờ học được tăng cường nhằm hạn chế tối đa nguy cơ rủi ro.
Trong khi đó, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ Lê Hồng Vũ thông tin, các nhà trường đã tập trung tuyên truyền, giáo dục kỹ năng để các em nhận thức được những nguy cơ mất an toàn như xâm hại, bạo lực, tai nạn giao thông… Với các trường có tổ chức đưa, đón học sinh bằng ô tô đã rà soát, xây dựng quy trình chặt chẽ, rõ trách nhiệm.
Bà Nguyễn Thị Huyền, phụ huynh học sinh Trường Mầm non Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng) kiến nghị, các nhà trường cũng cần giám sát chặt chẽ chất lượng bữa ăn cho trẻ, không để thực phẩm “bẩn” vào nhà trường.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, bên cạnh việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác, trong năm học 2020-2021, Sở yêu cầu các nhà trường chủ động phối hợp với chính quyền, công an địa phương triển khai Quy chế phối hợp số 505/QCPH-CATP-SGD&ĐT ngày 27-2-2017 về thực hiện công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố. Ngành Giáo dục Thủ đô cũng yêu cầu các trường bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên kỹ năng xử lý tình huống sư phạm, kỹ năng xử lý các sự cố bất thường về dịch bệnh và các nguy cơ khác để học sinh được học tập trong môi trường an toàn về cả thể chất và tinh thần.
“Bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ về chất lượng các hạng mục, điều kiện cơ sở vật chất, các nhà trường phải thiết lập, công khai số điện thoại đường dây nóng để kịp thời xử lý các thông tin liên quan đến an ninh, an toàn trường học”, ông Phạm Xuân Tiến nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.