(HNMO) - Với quyết tâm khống chế dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống về trạng thái bình thường mới, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương của Hà Nội đã triển khai các giải pháp tạo điều kiện tối đa cho người dân bảo đảm sinh hoạt hằng ngày và nhu cầu thiết yếu khác; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn.
Bảo đảm an sinh xã hội
Tại quận Tây Hồ, theo Phó Chủ tịch UBND quận Phạm Xuân Tài, việc cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu được quận duy trì thực hiện tốt với 8 chợ dân sinh, 5 cửa hàng bán hàng bình ổn giá, 36 siêu thị, cửa hàng tiện ích. Đồng thời, tổ chức 8 điểm cung ứng lương thực, thực phẩm an toàn tại 8 phường. Quận cũng triển khai mô hình "Bếp ăn 0 đồng" phát trên 800 suất ăn miễn phí/ngày cho người lao động mất việc làm, không có khả năng chi trả sinh hoạt phí và lực lượng phòng, chống dịch.
Tại phường Quảng An, chợ dân sinh bảo đảm giãn cách, hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định. Ngoài việc phát thẻ đi chợ 1 tuần 2 lần, chia 2 khung giờ, phường còn tổ chức 4 điểm bán hàng lương thực, thực phẩm tại tổ dân phố.
Ghi nhận tại quận Hai Bà Trưng, Phó Chủ tịch UBND phường Nguyễn Du Phan Thị Thanh Hiền cho biết, phường đã sớm triển khai công tác bảo đảm an sinh xã hội, cụ thể là hỗ trợ 2 đợt cho 324 lượt người có công với cách mạng, 300 lượt đối tượng bảo trợ xã hội bị ảnh hưởng bởi dịch, tổng số tiền hơn 900 triệu đồng. Đồng thời, UBND phường thực hiện chương trình hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 của Chính phủ, trong đó hỗ trợ 2 đợt cho gần 2.000 lượt người lao động không có giao kết hợp đồng bị mất việc làm, gặp khó khăn do đại dịch, với tổng số tiền hơn 1,2 tỷ đồng.
Ngoài ra, hệ thống chính trị từ phường tới cơ sở tích cực vận động cá nhân, tổ chức ủng hộ các lực lượng chống dịch, gia đình trong diện cách ly, phong tỏa, gia đình gặp khó khăn, người già neo đơn, người yếu thế, lao động tỉnh ngoài, sinh viên ở trọ, người làm thuê, công nhân trong các công trình xây dựng bị kẹt lại do thực hiện giãn cách… Tổng số nhu yếu phẩm và tiền mặt trị giá gần 450 triệu đồng.
Tại huyện Thường Tín, huyện đã chi trả hỗ trợ 16 tỷ 252 triệu đồng cho người có công với cách mạng, thương binh hưởng trợ cấp mất sức lao động, hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn do dịch Covid-19; tặng quà, hỗ trợ trên 3.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động ngoại tỉnh bị mắc kẹt trên địa bàn huyện với tổng số tiền 750 triệu đồng.
Hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp
Cùng với việc bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn, quận Đống Đa đã thành lập 3 tổ công tác liên ngành kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn. Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Hà Anh Tuấn cho biết, qua kiểm tra 186 đơn vị cho thấy, tại các cơ quan, công sở, cơ sở sản xuất, kinh doanh và doanh nghiệp thiết yếu đều đã bố trí khu vực để nước sát khuẩn, khẩu trang theo đúng quy định, thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, khử khuẩn, đo thân nhiệt và khai báo y tế. Tại các khu vực hành chính, sản xuất, bếp ăn đa số đều được thực hiện đúng phương án phòng, chống dịch theo quy định.
Ghi nhận tại địa bàn quận Hai Bà Trưng, theo Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Lương, phường đã phối hợp với Liên hiệp hợp tác xã OCOP Việt Nam - đơn vị có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, vận chuyển, góp phần bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu. UBND phường cũng khẩn trương triển khai, tổ chức điểm cung ứng hàng hóa tại số 49 Lãng Yên phục vụ nhân dân.
Phường cũng kiểm tra, thẩm định và phê duyệt phương án phòng, chống dịch cho 80 cơ sở sản xuất và kinh doanh theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Theo ông Vũ Minh Trí, đại diện cho Công ty TNHH Thương mại AT, địa chỉ kho E5 số 934 đường Bạch Đằng, trong việc thẩm định hồ sơ cấp giấy đi đường và những giấy tờ liên quan đến phương án phòng, chống dịch, UBND phường đã nhanh chóng hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện để duy trì hoạt động.
UBND phường Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng) cũng luôn tạo điều kiện tối đa cho hơn 700 doanh nghiệp trên địa bàn phường duy trì sản xuất, kinh doanh đảm bảo không để đứt gãy chuỗi sản xuất, lưu thông hàng hoá; hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện quy định của Bộ Y tế về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
UBND huyện Hoài Đức cho biết, huyện đã xây dựng và ban hành phương án hỗ trợ, tiêu thụ và cung ứng nông sản, hàng thiết yếu; thành lập tổ thường trực điều hành tập trung tại huyện, 20/20 tổ hỗ trợ tiêu thụ, cung ứng nông sản, hàng thiết yếu tại các xã, thị trấn; tuyên truyền thành lập về cung - cầu nông sản, hàng thiết yếu trên trang thông tin của huyện, xã... góp phần điều tiết ổn định tình hình lương thực, thực phẩm trên địa bàn.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản, UBND huyện đã chấp thuận, phê duyệt 172 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hoạt động; phê duyệt điều chỉnh bổ sung 9 phương án sản xuất của 9 doanh nghiệp. Huyện cũng xây dựng phương án phòng, chống dịch tại các cụm công nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, Phòng Kinh tế có trách nhiệm xây dựng phương án hỗ trợ doanh nghiệp bảo đảm an sinh, hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp về lương thực, thực phẩm. Thời gian tới, huyện sẽ triển khai đồng loạt tiêm vắc xin cho công nhân tại các cụm, khu công nghiệp...
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.