(HNM) - Hơn lúc nào hết, trong thời đại chạy đua công nghệ hiện nay, nền báo chí cách mạng Việt Nam đang đứng trước xu thế mở rộng tối đa khả năng tác động tới xã hội...
Phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam đang ghi lại hình ảnh một tàu của Trung Quốc trong sự kiện nước này hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Ảnh: Phương Dung |
Phải nói đây là thời kỳ mà báo chí và nhà báo Việt Nam có thuận lợi to lớn nhờ sự phát triển đột phá của công nghệ, nhằm chuyển tải thông tin một cách nhanh nhạy, đa dạng và đồng thời tới công chúng, trên nhiều phương tiện. Chuyển động hết sức rõ nét của xu thế ấy được thể hiện qua sự ra đời của các báo điện tử, trang thông tin điện tử, bên cạnh báo giấy. Đài phát thanh không chỉ làm phát thanh mà "bao sân" cả lĩnh vực truyền hình. Các tổ hợp truyền thông đa phương tiện gồm báo giấy, báo điện tử, phát thanh, truyền hình cũng xuất hiện ngày một hoàn chỉnh hơn ở các đơn vị báo chí nước ta. Thế giới gọi đây là tòa soạn hội tụ hay tòa soạn tích hợp (convergence newsroom). Đó là nơi gặp gỡ của các loại hình truyền thông trong cùng một tòa soạn, thậm chí trong cùng một nhà báo, để tận dụng sức mạnh khác nhau của cả báo in, báo hình lẫn báo mạng.
Đài Truyền hình quốc gia của Việt Nam - VTV, với nhiều lợi thế lớn không thể phủ nhận được nhưng những năm gần đây cũng phải đối mặt với tình cảnh giảm sút khán giả. Trong một chương trình cầu truyền hình trực tiếp đầu tháng 6 vừa qua về chủ đề biển đảo, lần đầu tiên VTV đã đồng thời đưa chương trình lên YouTube nhằm tận dụng tối đa lượng công chúng trẻ vốn quen "ăn, ngủ" cùng internet. Báo giấy thậm chí được chính các nhà báo mở rộng cách thức phát hành nhờ sức mạnh internet - thông qua cả trang facebook cá nhân. Thấy rõ rằng, báo chí đang phát triển với tinh thần các loại hình không loại trừ nhau mà bổ sung và cộng hưởng lẫn nhau.
Thuận lợi về công nghệ, biên độ tác động xã hội của báo chí cách mạng Việt Nam cũng được mở rộng mạnh mẽ. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực như thông tin mọi lúc mọi nơi, tăng chức năng phản biện với các vấn đề xã hội, ngăn chặn những hành vi tiêu cực, biểu dương nhân tố tích cực… báo chí nước ta nhiều lúc, nhiều nơi vẫn để xảy ra những chuyện đáng buồn: Thông tin sai sự thật ảnh hưởng xấu đến cá nhân, tổ chức; chạy theo thông tin "sổi", câu khách, giật gân, bỏ qua sứ mệnh của người "tiên phong trên mặt trận văn hóa - tư tưởng".
Một ví dụ điển hình là sự phát triển ồ ạt của báo mạng nước ta thời gian qua. Nhiều, nhanh nhưng không phải tất cả đều mạnh, đáng tin cậy. Không ít trang báo mạng lấy xào xáo thông tin là tiêu chí hoạt động xuyên suốt. Câu hỏi "viết cái gì?" thường được trả lời một cách dễ dãi, được định danh bằng những chuyện đời tư, những mặt phiến diện của vấn đề... Tất cả là bởi quan niệm thước đo cho giá trị bài báo trong thời đại công nghệ được tính bằng những lần "click" chuột.
Như vậy, phải trở lại với một khái niệm không mới là "Trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của nhà báo". Đi hết những con chữ ấy không dễ. Kết hợp nhuần nhuyễn hai yếu tố "trách nhiệm xã hội" và "nghĩa vụ công dân" để thấy nhà báo là người tiên phong nhưng không phải là đứng trên người khác. Báo chí tạo ra cơ hội cho người dân đối thoại với cơ quan quản lý, nhưng nếu tự cho mình quyền lực đối lập với các tổ chức, cá nhân mà mình khai thác thông tin thì chỉ khiến cho mối quan hệ này nảy sinh một "hệ miễn dịch tiêu cực", tức là định kiến: "Cứ nhà báo là vòi vĩnh, và cách giải quyết duy nhất chỉ là tiền".
Thạc sĩ Ngô Hương Giang, Viện Triết học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) có một nhận xét thú vị: "Sức mạnh lan tỏa của báo chí hiện nay tính bằng giây và tích tắc chứ không còn là nhật báo như trước. Vì vậy, một nền báo chí lớn mạnh cần thiết phải có các thước đo đạo đức". Một khi nói những điều liên quan mật thiết đến mỗi người dân, "quyền lực" của báo chí sẽ được thể hiện một cách hết sức rõ ràng. Nhà báo Nguyễn Trọng Văn (Ủy viên Hội đồng Biên tập, Đài PTTH Hà Nội) chia sẻ: "Báo chí không chỉ cung cấp thông tin mà thực sự đã trở thành cầu nối hữu hiệu, kết nối tinh thần xã hội với các sự kiện. Tuyên truyền về chủ quyền biển đảo thời gian qua là một ví dụ, ở đây, báo chí đã khơi dậy mối kết đoàn và tinh thần yêu nước mạnh mẽ khiến cả bạn bè quốc tế cũng phải lên tiếng cùng chúng ta".
Cho dù là thời đại của công nghệ thông tin, cho dù mô hình tác nghiệp có thể thay đổi, nhưng quyền lực đích thực của nhà báo và nền báo chí cách mạng Việt Nam vẫn luôn nằm trong chân lý giản dị "Trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của nhà báo".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.