Nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024), sáng 31-5, Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức Diễn đàn “Báo chí - Doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển bền vững” tại Hà Nội.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải dự và phát biểu chỉ đạo. Ngoài ra, sự kiện có sự tham dự của khoảng 200 chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, nhà quản lý cùng đại diện một số sở, ban, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp, cơ quan báo chí Trung ương, địa phương...
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải cho biết, để xây dựng phát triển Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển nhanh, bền vững, cả hai lực lượng là báo chí và doanh nghiệp đều phải cùng phát triển tốt, hợp tác hiệu quả.
Qua báo chí, những gương mặt doanh nhân điển hình, những doanh nghiệp uy tín, mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả hay cách quản trị phát triển doanh nghiệp bền vững được lan tỏa rộng rãi. Các chương trình đối thoại, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải đều được các cơ quan báo chí cả Trung ương và thành phố phản ánh kịp thời, hiệu quả. Ngược lại, doanh nghiệp cũng cung cấp cho báo chí những thông tin quý báu, những câu chuyện thành công, những bài học kinh nghiệm thực tế để làm phong phú thêm nội dung, góc nhìn của báo chí. Do vậy, báo chí vừa là đối tác, vừa là khách hàng, cũng là động lực cho sự phát triển.
"Có thể nói, mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp là mối quan hệ “gắn bó, hợp tác, chia sẻ, cùng phát triển” và dựa trên nền tảng văn hóa, vì sự phát triển bền vững của Thủ đô", Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh.
PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị cũng khẳng định, mối quan hệ hợp tác giữa báo chí và doanh nghiệp là mối quan hệ tương hỗ, cộng sinh. Báo chí là cầu nối giữa doanh nghiệp và Nhà nước, thông qua thông tin trên báo chí giúp các cơ quan Nhà nước lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành. Báo chí cũng là kênh thông tin quan trọng và cần thiết, góp phần vào sự thành công của doanh nghiệp, không chỉ là cầu nối để quảng bá thương hiệu, sản phẩm…, mà còn là kênh cung cấp thông tin để doanh nghiệp nắm được nhu cầu khách hàng, sự phát triển của thị trường, từ đó có những quyết sách phù hợp cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Tại diễn đàn, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã lãm rõ, phân tích vai trò của báo chí đối với doanh nghiệp, doanh nhân trong thời kỳ hội nhập, đặc biệt là trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; phân tích thực trạng hoạt động truyền thông của báo chí đối với cộng đồng doanh nghiệp về phát triển kinh tế - xã hội trong môi trường truyền thông số; làm rõ những vấn đề đặt ra và nguyên nhân của việc chưa đồng thuận giữa doanh nghiệp và báo chí; đề xuất những kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao kỹ năng tác nghiệp và đạo đức nghề nghiệp cho các nhà báo khi viết và phản ánh về doanh nghiệp...
TS Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng chia sẻ: "Qua nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực hoạch định chính sách, tôi đã chứng kiến nhiều câu chuyện thực tế cho thấy, báo chí có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự thành công hay thất bại của chính sách do các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng và thực thi. Không có báo chí đi trước mở đường, chính sách khó có thể được đông đảo người dân đón nhận và đồng lòng tuân thủ. Ngược lại, khi báo chí đã lên tiếng phản đối, chính sách có thể “chết yểu” ngay từ khi còn trong trứng, thậm chí bị "khai tử" ngay trước lúc ban hành dù đã qua quá trình xây dựng và thẩm định kỹ lưỡng".
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đào tạo và Phát triển nhân lực DGroup Lê Dung đề xuất, báo chí nên tạo điều kiện để doanh nghiệp và độc giả tương tác trực tiếp, đưa ra phản hồi và góp ý. Điều này không chỉ giúp báo chí hiểu rõ hơn về nhu cầu và mong muốn của doanh nghiệp, mà còn cải thiện chất lượng thông tin. Báo chí cần xây dựng các kênh tương tác đa chiều, cho phép độc giả và doanh nghiệp tham gia vào quá trình tạo dựng nội dung và đóng góp ý kiến...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.