Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bao che vi phạm?

Việt Nga| 02/06/2011 07:23

(HNM) - Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Hà Nội vừa thanh tra các doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ viễn thông trên địa bàn.


Những số điện thoại vi phạm về QCRV cần được xử lý triệt để.  Ảnh: Nguyễn Lê

Có thể nói, việc Sở TT-TT yêu cầu các DN cung cấp dịch vụ viễn thông phải chấp hành nghiêm quy định của cơ quan quản lý nhà nước về cắt các số điện thoại vi phạm QCRV, cắt đường truyền các quán game cách trường học dưới 200m đã có tác động tích cực. Khi đoàn thanh tra làm việc với DN không còn hiện tượng "cãi cùn" kiểu như đề xuất được tự đo lại khoảng cách giữa đại lý game với trường học, vẫn duy trì đại lý game ở gần trường mầm non vì các cháu dưới 5 tuổi không biết chơi, hoặc xin gia hạn thời gian để thu nốt cước… Tuy nhiên, khi tiến hành kiểm tra vẫn có trường hợp cơ quan quản lý nhà nước phải đặt câu hỏi: Liệu có hay không sự bao che? Điều này có cơ sở bởi thực tế, đã có DN thông báo đã cắt liên lạc, nhưng khi gọi đến một số bất kỳ đã cắt, tổng đài lại chỉ dẫn gọi sang một số khác, khi đó khách hàng (nếu có nhu cầu) có thể liên lạc đến số máy được chỉ dẫn đó để yêu cầu dịch vụ mà số điện thoại cũ (đã bị cắt trên danh nghĩa) thực hiện QCRV. Như vậy, số điện thoại vi phạm đó đã được DN cho chuyển cuộc gọi. Được biết, lãnh đạo đơn vị này đã tiếp thu, rút kinh nghiệm và cho kiểm tra bộ phận cấp dưới đã mở số điện thoại vi phạm này. Tại FPT Telecom, đơn vị này cho biết đã thực hiện nghiêm quy định của thành phố, đã lần lượt ngắt đường truyền các đại lý internet cách trường học dưới 200m và báo cáo kết quả về Sở theo quy định. Song, đại diện FPT Telecom cũng phản ánh, sau khi đơn vị mình cắt dịch vụ, tại một vài quán game vẫn hoạt động do họ chuyển sang dùng đường truyền của DN khác. Mặt khác, theo FPT Telecom, việc yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ ngắt đường truyền từ 23 giờ đến 8 giờ, DN chấp hành, nhưng đây chỉ là biện pháp kỹ thuật, người ta vẫn có thể "vượt rào". Nhằm giải quyết triệt để, cơ quan quản lý nên yêu cầu DN cung cấp game cắt máy chủ dịch vụ này mới đem lại hiệu quả. Mobifone cũng đã lần lượt cắt liên lạc các số điện thoại vi phạm quy định về QCRV. Nhưng, do vô tình và chưa có hướng dẫn của cơ quan quản lý, nên trong năm 2010, sau 31 ngày công ty đã thu hồi, đưa vào khai thác lại các số điện thoại bị cắt. Đoàn thanh tra nhắc nhở, việc làm này có thể dẫn đến trường hợp chủ thuê bao có số điện thoại này lại tiếp tục mở lại để QCRV trái phép. Đại diện Mobifone hứa rút kinh nghiệm và khẳng định, chưa khai thác lại các số điện thoại cắt liên lạc do vi phạm cho đến khi có hướng dẫn của Sở, đồng thời đề xuất cơ quan quản lý nên đề ra thời hạn (cụ thể là 6 tháng) để các nhà mạng được tiếp tục khai thác số.

Các trường hợp được nhắc kể trên đã, sẽ được xử lý. Nhưng, vấn đề ở đây là tại sao DN biết là vi phạm, mà vẫn tái phạm, phải chăng là vì lợi ích? Để lý giải cho câu trả lời này, xin được trích lời của Phó Tổng giám đốc Công ty VMS-Mobifone Nguyễn Đình Chiến trong buổi làm việc với đoàn thanh tra. Ông Chiến cho biết, Mobifone hiện có hơn 36 triệu thuê bao, trong đó có 1,5 triệu là thuê bao trả sau. Do vậy, việc cắt liên lạc vài trăm số điện thoại vi phạm về QCRV, không ảnh hưởng tới doanh thu… Hơn nữa, đây cũng là vấn đề cần thực hiện nghiêm theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Câu trả lời của Mobifone khiến bạn đọc liên tưởng đến đề xuất trước đó của một số doanh nghiệp... xin được lùi thời gian (hết tháng 5 và tháng 6) mới cắt dịch vụ để thu nốt cước. Cách xử lý đó cho thấy những thuê bao vi phạm QCRV, quán game không chấp hành quy định của cơ quan quản lý có đóng góp đáng kể vào doanh thu (trong đó có lợi nhuận) của doanh nghiệp, do vậy, đã cố tình bênh vực cho thuê bao vi phạm?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bao che vi phạm?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.