(HNMO) - Tỉ lệ nạo, phá thai ở Việt Nam chưa được xác định chính xác, nhưng có thể chắc chắn rằng con số không nhỏ và có thể là một trong số những quốc gia có tỉ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới.
ấn đề giáo dục giới tính, quan hệ tình dục trước hôn nhân, phá thai trong giới trẻ Việt hiện nay...
Những bông hoa nhựa giả sặc sỡ được bày trí khéo léo trên bàn lễ tân của phòng khám và phá thai của bác sĩ Nguyễn Tố Hảo. Đối lập với vẻ ngoài đầy màu sắc đó là tâm trạng khá ảm đạm của vị bác sĩ trong phòng đợi khách...
Bà Hảo là một bác sĩ lâu năm trong lĩnh vực sản khoa và phụ khoa, chia sẻ rằng phần lớn bệnh nhân của mình ở tuổi thanh thiếu niên - những người có sự hiểu biết rất hạn chế về quan hệ nam nữ và hậu quả của nó. Một số người trẻ phát triện trễ kinh nhiều ngày sẽ được khám và phá thai ở một bệnh viện ngay cạnh phòng khám. Số còn lại phát hiện ra việc mang thai quá muộn màng nên đến kỳ thì cứ sinh con rồi bỏ lại những đứa trẻ sơ sinh cho sư thầy, sư cô ở các chùa nuôi hộ.
Trên thực tế, thế hệ thiếu niên của Việt Nam có thể tránh được việc mang thai ngoài ý muốn nếu như được học giáo dục giới tính từ cấp hai. Một câu ngạn ngữ quen thuộc của Việt Nam khẳng định rằng việc tuyên truyền, bàn luận về vấn đề giới tính với học sinh ở tuổi đó là “vẽ đường cho hươu chạy”. Tuy nhiên, cho đến giờ, “hươu” đã chạy rồi nhưng các nhà quản lý vẫn lúng túng trong việc hướng dẫn thế hệ trẻ “chạy đúng đường”, bác sĩ Hảo khẳng định.
Tỉ lệ nạo, phá thai ở Việt Nam chưa được xác định chính xác, nhưng có thể chắc chắn rằng con số không nhỏ và có thể là một trong số những quốc gia có tỉ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới. Theo nghiên cứu của Bệnh viện Phụ sản Trung ương tại Hà Nội, 2/3 số phụ nữ mang thai ở Việt Nam đã từng có quyết định phá thai – gấp đôi con số nằm trong tính toán của chính phủ.
Sự thiếu hiểu biết về quan hệ tình dục và tránh thai là một trong những thực tế rõ ràng nhất. Một số phụ nữ nạo phá thai vì không muốn có con, số còn lại chỉ mong muốn có đứa con trai nối dõi tông đường và cậy nhờ lúc già. Việc nghiêm cấm lựa chọn giới tính từ năm 2003 rất khó để thực hiện khi các phòng siêu âm tư nhân mọc ra như nấm.
Chị Nguyễn Thị Hiền đã có hai con và đang sinh sống tại Hà Nội cho biết, chỉ với hơn 1,7 triệu đồng, các bác sĩ ở phòng khám tư sẵn sàng tiết lộ giới tính của đứa con trong bụng người mẹ.
Hiện nay cứ 100 đứa bé gái thì có 111 đứa bé trai được sinh ra tại Việt Nam, theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc - tỷ lệ này gần như mất cân bằng giống nước láng giềng Trung Quốc. Chính phủ quan ngại rằng sự mất cân bằng giới tính sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ trong tương lai, điển hình là việc nam giới ở thế hệ tiếp theo sẽ không có vợ, phát sinh các vấn nạn về buôn bán phụ nữ, mại dâm, hiếp dâm và các vấn đề vĩ mô liên quan đến chính trị.
Chính sách sinh sản và nhân khẩu của Việt nam đang có những thay đổi liên tục. Theo một cựu quan chức của Bộ Y tế, quyết định mới nhất của Trung Quốc nới lỏng chính sách một con đã nhắc nhở Việt Nam xem xét lại để nới lỏng chính sách của mình. Các bộ ban ngành liên quan đang xin ý kiến của người dân để sửa đổi luật và Quốc hội có thể sẽ xem xét lại vào năm này.
Hiện nay, hai phần ba trong tổng số 90 triệu người dân Việt Nam đang trong độ tuổi lao động. Điều này giúp Việt Nam có cơ hội bùng nổ kinh tế trong vong ba thập kỷ tiếp theo. Tuy nhiên, “dân số vàng” có thể sẽ bị dừng đột ngột. Tỷ lệ sinh ở một số thành phố tại Việt Nam đã không thể bắt kịp tỷ lệ tái tạo dân số. Xu hướng này sẽ dẫn tới sự thiếu hụt nguồn lao động như tại Nhật Bản và một số quốc gia khác đang gặp phải. Vấn đề ở đây là dân số Việt Nam già hoá trước khi đất nước có thể trở nên giàu có.
Pháp luật về hôn nhân, gia đình dường như cũng không thể giải quyết được vấn đề. Các dự thảo luật mới có đề cập đến việc xoá bỏ chính sách hai con và cấm các hành vi nạo, phá thai kể từ 12 tuần tuổi so với điều luật trước là 22 tuần, ngoại trừ trường hợp bị hiếp dâm. Điều này càng khiến cho những phụ nữ mang thai ngoài ý muốn tìm đến những phòng khám chui. Tháng 9 vừa qua, 17 chuyên gia trong lĩnh vực y tế cộng đồng đã gửi đơn kiến nghị lên Bộ trưởng Y tế xoay quanh dự luật này.
Tuy nhiên, việc tiến hành các biện pháp kiểm soát dân số sẽ gặp khá nhiều khó khăn bởi một số phát sinh như: sàng lọc trước sinh để “nâng cao chất lượng dân số”. Điều này tưởng chừng như vô hại nhưng theo như các chuyên gia y tế, việc này có thể khuyến khích người dân phá thai khi phát hiện dấu hiện khuyết tật ở thai nhi.
Một số cán bộ lại ủng hộ việc loại bỏ chính sách hai con ở thành phố nhưng vẫn tiếp tục áp dụng đối với những vùng nông thôn. Điều này sẽ khuyến khích các gia đình có điều kiện sinh nhiều con hơn - đồng nghĩa với việc có nhiều đứa trẻ có thể được hưởng nền giáo dục tiên tiến và chất lượng cuộc sống tốt hơn. Trong khi đó, có thể hạn chế việc sinh con không có kế hoạch của những gia đình thiếu điều kiện như các vùng dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, ý kiến này đã nhận phải phản ứng kịch liệt của người dân do sự bất công và tư tưởng lỗi thời...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.