Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bangladesh: Hy vọng giải tỏa bế tắc chính trị ngày càng xa vời

Đình Hiệp| 10/01/2014 06:37

(HNM) - Cuộc bầu cử Quốc hội khóa 10 gây nhiều bất ổn tại Bangladesh đã kết thúc ngày 5-1 với chiến thắng áp đảo thuộc về đảng Liên minh Nhân dân (AL) cầm quyền của Thủ tướng Sheikh Hasina.


Quốc hội Bangladesh có 350 ghế với 300 ghế bầu trực tiếp và 50 ghế dành cho phụ nữ. Tuy nhiên, trước khi diễn ra bầu cử, liên minh đối lập gồm 18 đảng do đảng Dân tộc chủ nghĩa Bangladesh (BNP) của cựu Thủ tướng Khaleda Zia đứng đầu đã tẩy chay. Động thái này đồng nghĩa với việc 153 ghế trong tổng số 300 ghế Quốc hội đã không được bầu trong ngày bầu cử. Trong 147 ghế được bầu ngày 5-1 vừa qua, đã có 139 ghế được xác định; 8 ghế còn lại chưa có kết quả do bất ổn tại một số điểm bỏ phiếu khiến việc bầu cử cũng như kiểm phiếu bị trì hoãn.

Bất chấp việc Chính phủ tăng cường an ninh, bạo lực vẫn xảy ra khắp nơi tại Bangladesh.



Kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy, AL giành được thêm 105 ghế, nâng tổng số ghế của AL trong Quốc hội lên 232 ghế, vượt xa điều kiện đa số ghế để đứng ra thành lập chính phủ mới. Đảng Jatiya của cựu quan chức quốc phòng HM Ershad - liên minh của AL - được 44 ghế. Số ghế còn lại thuộc về các đảng độc lập khác. Việc AL cầm quyền của Thủ tướng đương nhiệm S.Hasina giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử không nằm ngoài dự đoán khi liên minh đối lập do BNP đứng đầu không tham gia. Song tình trạng bạo lực liên quan đến bầu cử tại quốc gia Nam Á này đã khiến dư luận trong và ngoài nước lo ngại.

Cuộc bầu cử Quốc hội khóa 10 vừa qua chỉ có 22% số cử tri đi bỏ phiếu so với 87% của cuộc bầu cử năm 2008. Chính phủ đã huy động hàng chục nghìn binh lính tại các điểm bỏ phiếu cùng sự giám sát chặt chẽ của nhiều phái đoàn từ các quốc gia, tổ chức quốc tế nhưng tình trạng bạo lực trước và sau bầu cử vẫn không hề giảm. Thậm chí, bạo lực đẫm máu diễn ra ngay trong ngày bầu cử làm 18 người thiệt mạng khiến Ủy ban Bầu cử Bangladesh buộc phải hoãn bỏ phiếu tại 160 địa điểm thuộc 21 đơn vị bầu cử trên cả nước...

Chính trường hai thập niên qua ở quốc gia Nam Á này cho thấy, cuộc đua giành quyền lực giữa đương kim Thủ tướng S.Hasina và cựu Thủ tướng Khaleda Zia diễn ra hết sức quyết liệt. Hai nhà lãnh đạo nữ xuất thân từ hai gia đình chính trị đầy quyền lực đã thay nhau lên cầm quyền. Nguyên nhân khiến liên minh đối lập tẩy chay cuộc bầu cử là không tán thành thời điểm tổ chức vào ngày 5-1, trong khi thời hạn nhiệm kỳ của đương kim Thủ tướng S.Hasina tới tận ngày 24-1 mới kết thúc. Phe đối lập muốn Thủ tướng S.Hasina phải từ nhiệm trước thời điểm bỏ phiếu, cũng như cuộc bầu cử được tiến hành dưới sự giám sát của một ủy ban bầu cử độc lập phi đảng phái. Đây cũng là mâu thuẫn mấu chốt giữa AL cầm quyền của Thủ tướng S.Hasina với BNP đối lập. Mâu thuẫn càng gay gắt từ tháng 6-2011, khi Quốc hội Bangladesh bãi bỏ hệ thống chính phủ lâm thời phi đảng phái sau khi Tòa án tối cao phán quyết điều này là bất hợp pháp. Kết quả là sau tranh cãi, bạo lực đã bùng phát trên toàn quốc giữa những người ủng hộ AL cầm quyền và những người ủng hộ phe đối lập.

Trước sức ép ngày một lớn từ phe đối lập, Thủ tướng S.Hasina đã phát biểu rằng, một cuộc bầu cử mới có thể diễn ra khi BNP chấp nhận đối thoại với điều kiện phải chấm dứt bạo lực. Nhưng BNP đối lập ngay lập tức đáp lại bằng các cuộc tuần hành mới nhằm hủy bỏ kết quả bầu cử vừa qua.

Là đất nước giao thoa giữa hai nền văn hóa Ấn Độ và Pakistan, việc giải quyết mâu thuẫn phe phái liên quan tới tôn giáo tại quốc gia Nam Á này là không dễ dàng. Bangladesh có 154 triệu dân, đứng thứ 8 thế giới về dân số, song có tới 1/3 sống dưới mức nghèo khổ. Tình trạng bạo lực tiếp diễn có thể phá hủy ngành công nghiệp may mặc trị giá 22 tỷ USD/năm, chiếm 80% kim ngạch xuất khẩu của đất nước. Trong bối cảnh cuộc đối đầu không khoan nhượng giữa AL cầm quyền và phe đối lập chưa kết thúc, hy vọng giải tỏa bế tắc chính trị ở Bangladesh ngày càng trở nên xa vời.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bangladesh: Hy vọng giải tỏa bế tắc chính trị ngày càng xa vời

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.