Hố “cửa địa ngục” khổng lồ tại Siberia đã “lộ diện” do tầng băng ở dưới tan nhanh chóng, và để lộ ra một lối vào với thế giới cổ xưa 200.000 năm tuổi.
Hố nứt Batgaika. |
Hố Batgaika, được người dân địa phương Yakutia gọi là “cánh cửa tới địa ngục”, là một trong số những hố đất lớn nhất bị sụp xuống ở Siberia trong thời kỳ lớp băng vĩnh cửu ở phía dưới tan ra thành bùn loãng và khí methane.
Tuy nhiên Batgaika đặc biệt ở chỗ đã mở ra những điều bí ẩn cổ xưa nằm sâu dưới đất. Hố nứt có bề rộng hơn 600 mét, độ sâu chừng 84 mét này đã tiết lộ về các giai đoạn thay đổi khí hậu tại khu vực cùng với nhiều hóa thạch động vật và cây cối được bảo quản tuyệt vời trong băng.
Một nghiên cứu trên tạp chí khoa Quarternary Research cho hay các lớp phân tầng xung quanh hố chứa đựng những dữ liệu quan trọng về khí hậu thời xa xưa.
Cụ thể trước đây vùng đất này từng được bao phủ bởi lãnh nguyên (những vùng trơ trụi có tầng đất đã bị đóng băng vĩnh cửu nằm gần vùng cực). Mặt khác, hai gốc cây được tìm thấy cũng cho thấy vùng đất này từng là rừng rậm.
Các hóa thạch được phát hiện trong hố Batgaika bao gồm xác voi ma mút, bò xạ hương, thậm chí cả một con ngựa 4.400 năm tuổi.
Tổng hợp lại, “cánh cửa tới địa ngục” này đã tạo nên một bức tranh khá rõ rệt về các giai đoạn biến đổi khí hậu tại khu vực trong quãng thời gian hàng chục ngàn năm. Giới nguyên cứu còn hy vọng họ sẽ dự đoán được khí hậu trong những thập kỷ tương lai nhờ quan sát hố Batgaika.
Được biết, Batgaika đang mở rộng thêm từ 10 – 30 mét mỗi năm do lớp băng vĩnh cửu xung quanh nó tiếp tục tan chảy. Các nhà nghiên cứu cho hay độ sâu của hố cũng đang dần dần tăng thêm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.