Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bằng chứng thép về chủ quyền của Việt Nam

Lâm Vũ| 19/12/2013 06:39

(HNM) - Ngày 15-12, tại Nhà Thông tin triển lãm 45 Tràng Tiền, UBND TP Hà Nội đã khai mạc triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu

Nhiều người xem triển lãm đã dừng rất lâu trước bản đồ khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa.



Triển lãm giới thiệu các tư liệu bản đồ và các tài liệu liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do Cục Thông tin đối ngoại - Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp. Các nội dung cơ bản của tư liệu triển lãm tập trung vào giai đoạn từ đầu thế kỷ XVII cho đến cuối thế kỷ XIX, là thời kỳ Việt Nam khẳng định và thực thi chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa và Bản đồ địa giới hành chính Việt Nam vừa mới ban hành. Hệ thống tư liệu và bản đồ của Việt Nam với 2 bản đồ cổ, 1 bản đồ hành chính quốc gia xuất bản năm 2013, các thư tịch, tài liệu chính thức của Nhà nước như Châu bản triều Nguyễn, các bộ chính sử, địa lý lịch sử, các công văn, giấy tờ, ghi chép của những quan chức, viên chức, học giả đã khẳng định từ thế kỷ XVII, triều đình nhà Nguyễn đã xác lập chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đáng chú ý, trong hệ thống Châu bản triều Nguyễn còn lưu giữ được ghi rõ: Ngày 28 tháng 12 năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), Bộ Công tâu: "Chiếu theo lệ, xứ Hoàng Sa là bờ cõi trên biển của nước ta, hằng năm có phái binh thuyền đến thăm dò để thuộc lộ trình đường biển. Ngày tháng 6 năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), vâng theo lời huấn thị: năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), hoãn việc phái binh thuyền (đi khảo sát), đến năm sau phúc trình lại. Hãy tuân mệnh". 6 bản đồ của Trung Quốc cũng khẳng định ranh giới cực Nam của nước này không vượt quá đảo Hải Nam. Cụ thể, trên Hoàng Triều trực tỉnh địa dư toàn đồ nhà Thanh năm 1904 có ghi điểm cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc lúc đó chỉ đến đảo Hải Nam.

49 bản đồ của các nước phương Tây gồm Anh, Đức, Australia, Canada, Mỹ và Hồng Kông (Trung Quốc) trong khoảng thời gian 1626-1980 cũng thể hiện rõ ràng điều này. Các bản đồ này ghi nhận lãnh thổ cực Nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam. Đáng lưu ý là trong nhóm bản đồ thương mại và hàng hải Châu Á và Đông Nam Á đã thể hiện rõ Hoàng Sa và Trường Sa nằm trong vùng lãnh hải của Việt Nam. Điều đặc biệt của triển lãm lần này là việc công bố bản đồ hàng hải của anh em nhà Van Langren (Hà Lan) vẽ năm 1595. Bản đồ vẽ khá chi tiết, trình bày đẹp, phong phú, hình vẽ Hoàng Sa rõ ràng và điển hình, ghi rõ I.de.Pracel (đảo Hoàng Sa). Quần đảo Hoàng Sa cùng với dải bãi ngầm và bãi cát Hoàng Sa được phân biệt rõ ràng với các đảo Pulo S.polo (Cù Lao Chàm), Pulo Catam (Cù Lao Ré), Pulo Cambir (Cù Lao Xanh)... ở ven bờ. Đặc biệt trong đất liền về phía Việt Nam, khoảng khu vực bờ biển tỉnh Quảng Ngãi ngày nay, bản đồ có đánh dấu Costa de Pracel, khẳng định mối quan hệ hữu cơ giữa I.de.Pracel (đảo Hoàng Sa) ở giữa Biển Đông và Costa de Pracel (bờ biển Hoàng Sa) ở vùng Quảng Ngãi, là cơ sở xác nhận chủ quyền tự nhiên và lâu đời của Vương quốc Chămpa và Chúa Nguyễn ở Hoàng Sa trước và trong thời điểm vẽ bản đồ.

Triển lãm còn có bức ảnh chụp bia khẳng định chủ quyền do một đơn vị lính bảo an người Việt dựng trên đảo Hoàng Sa vào tháng 6 năm 1938. Trên bia có khắc dòng chữ: "Cộng hòa Pháp - Vương quốc An Nam - Quần đảo Hoàng Sa 1816 - Đảo Hoàng Sa 1938". Điểm thú vị trong triển lãm lần này là có công bố giấy chứng sinh của một em bé sinh ngày 7-12-1939, tại đảo Hoàng Sa. Đó là em Mai Kim Quy, con gái của ông Mai Xuân Tập, nhân viên khí tượng đảo Hoàng Sa và bà Nguyễn Thị Thắng, nội trợ. Giấy chứng sinh do đại diện phái đoàn Chauvet ký tên.

Sau khi xem triển lãm, ông Đỗ Xuân Diễn, P405, nhà D1, phường Vĩnh Phúc (Ba Đình) xúc động cho biết: "Tôi được nghe thông tin về những bằng chứng lịch sử hùng hồn về Hoàng Sa và Trường Sa từ rất lâu, nhưng hôm nay mới được tận mắt chiêm ngưỡng những bản đồ, tài liệu mà cả phương Tây và các triều đại phong kiến Việt Nam ghi rõ. Tôi vô cùng xúc động và tự hào vì dân tộc mình đã có một lịch sử giữ gìn, bảo vệ bờ cõi lãnh thổ rất quý giá. Hoàng Sa, Trường Sa mãi mãi trong tim của mọi thế hệ người Việt Nam".

Với những tư liệu quý này, triển lãm đã giúp đông đảo người dân Thủ đô và bạn bè quốc tế hiểu rõ về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Triển lãm cũng góp phần nâng cao nhận thức, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết và ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước trong các tầng lớp nhân dân Thủ đô, đặc biệt là tầng lớp thanh niên.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bằng chứng thép về chủ quyền của Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.