(HNMO) - Chiều 19-5, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã có buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về một số nhiệm vụ của ngành.
GD-ĐT) Hà Nội về một số nhiệm vụ của ngành.
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, năm học 2016-2017, trên địa bàn thành phố có 2.665 trường học với hơn 1,8 triệu học sinh, gần 130 nghìn cán bộ, giáo viên, nhân viên. Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế”, ngành Giáo dục Thủ đô đã có những bước chuyển rõ nét về chất lượng giáo dục, đào tạo. Tỷ lệ giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn ở các cấp học, ngành học đều đạt 100%, trong đó cấp tiểu học có tỷ lệ giáo viên đạt trình độ trên chuẩn lên tới 94%, THCS đạt 76%, mầm non đạt 54%, THPT đạt 21%, giáo dục thường xuyên đạt 17%.
Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh được đặc biệt quan tâm trong năm học 2016-2017. Các trường học trên địa bàn thành phố tiếp tục triển khai hiệu quả bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống văn minh, thanh lịch” cho học sinh các cấp; thực hiện nghiêm túc “Tuần công dân” đầu năm học cho học sinh… Việc giảng dạy lịch sử truyền thống địa phương được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2016-2017 trong toàn ngành.
Hà Nội đã biên soạn mới bộ chương trình địa phương môn lịch sử cấp tiểu học, THCS và THPT trên cơ sở bộ tài liệu lịch sử địa phương được xây dựng từ năm 2001. Trong kế hoạch dạy học các tiết lịch sử, Sở GD-ĐT quy định các tiết lịch sử dân tộc phải được dạy trước lịch sử địa phương; lịch sử địa phương của quận, huyện, thị xã chỉ dạy tích hợp với lịch sử Hà Nội, dạy vào các tiết dự phòng… Những kết quả này đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước trong việc thực hiện nhiệm vụ chiến lược “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”.
Hà Nội đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để đạt mục tiêu đến năm 2025 giáo dục Thủ đô đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục Thủ đô là tập trung tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo hướng hiện đại, đồng bộ và đạt chuẩn; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý với tiêu chí không chỉ giỏi về chuyên môn, mà còn đẹp về phong cách, mẫu mực về đạo đức, nhân cách. Hà Nội cũng sẽ tiếp tục triển khai dạy đại trà bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống văn minh, thanh lịch” cho học sinh các cấp học; hoàn thiện, bổ sung phần tài liệu đọc thêm, câu hỏi, bài tập để hướng dẫn học sinh tự học, về ý thức trách nhiệm của học sinh Thủ đô trong thời kỳ hội nhập; các hoạt động trải nghiệm sáng tạo…
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Phong, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội chia sẻ với ngành Giáo dục Thủ đô một số khó khăn như, sức ép từ sự quá tải học sinh, về tình trạng thiếu đất xây dựng trường học, về việc xây dựng trường chuẩn quốc gia… Dù vậy, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đánh giá ngành Giáo dục Thủ đô vẫn nỗ lực vượt qua khó khăn, đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận, điển hình như giữ vững chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn; chất lượng đội ngũ giáo viên ngày càng được nâng cao với 100% giáo viên đều có trình độ đào tạo đạt chuẩn, tỷ lệ giáo viên có trình độ đào tạo trên chuẩn cao; tham mưu thành phố ban hành nhiều chính sách, mô hình về giáo dục…
Trong thời gian tới, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đề nghị Sở GD-ĐT tập trung triển khai 5 nội dung: Thứ nhất, tiếp tục triển khai có chất lượng Nghị quyết 29-NQ/TƯ về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế”, quan tâm đến công tác bồi dưỡng và bồi dưỡng lại đội ngũ giáo viên đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới giáo dục; thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cụ thể hóa thành những nội dung, phần việc cụ thể, phù hợp với từng đối tượng; thứ ba, tổ chức đánh giá 5 năm thực hiện bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống văn minh, thanh lịch” cho học sinh vào năm học 2017-2018; thứ tư, tiếp tục chú trọng công tác giảng dạy lịch sử truyền thống cho học sinh; thứ năm, rà soát đội ngũ giáo viên giảng dạy môn giáo dục công dân trong các nhà trường, quan tâm đánh giá chất lượng giảng dạy môn học này cả ở các trường công lập và ngoài công lập.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.