(HNMO) - Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác chỉ đạo, điều hành, nêu cao vị trí, vai trò gắn với việc cá thể hóa trách nhiệm, xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu cơ quan quản lý, người trực tiếp quản lý và công chức, viên chức công vụ vi phạm hoặc buông lỏng quản lý, để xảy ra vi phạm. Căn cứ kết quả thực hiện Chỉ thị, Ban Cán sự đảng UBND thành phố kịp thời tham mưu, đề xuất Ban Thường vụ Thành ủy chủ trương về những vấn đề phát sinh; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị với Ban Thường vụ Thành ủy.
Đây là yêu cầu của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội trong Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 2-3-2022 về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội” (Chỉ thị 14). Chỉ thị do đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội ký ban hành.
Chỉ thị nêu rõ, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng là những công việc thường xuyên, quan trọng, nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội. Quá trình triển khai, tổ chức thực hiện, các cấp, các ngành phải quán triệt, thực hiện tốt phương châm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình và rõ hiệu quả”; tiếp tục hoàn thiện các quy định quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng quản lý đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, trọng tâm là củng cố tổ chức bộ máy, chấn chỉnh trật tự, kỷ cương pháp luật, lề lối làm việc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả...
Hạn chế thấp nhất việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch
Theo Chỉ thị 14, Ban Thường vụ Thành ủy khẳng định, công tác quy hoạch có vai trò đặc biệt quan trọng, là định hướng cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội và phát triển đô thị của Thủ đô Hà Nội. Vì vậy, quy hoạch luôn phải đi trước với phương pháp và cách làm khoa học, có tầm nhìn chiến lược phát triển, đồng bộ giữa quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị với các quy hoạch chuyên ngành, sát với tình hình thực tiễn và nhu cầu phát triển của thành phố nói chung và mỗi địa phương nói riêng trong từng giai đoạn. Quy hoạch cũng phải từng bước giải quyết được những bất cập, bức xúc trong quá trình phát triển, nhất là tại khu vực nội đô như: Ùn tắc giao thông, ngập úng cục bộ, quá tải hạ tầng xã hội...
Các cấp, các ngành cần bám sát các quy định của Luật Quy hoạch 2017, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn của Trung ương để khẩn trương rà soát, đẩy nhanh tiến độ phủ kín các quy hoạch còn thiếu trên địa bàn thành phố. Trong đó, tập trung hoàn thiện và sớm phê duyệt Chương trình phát triển đô thị, Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050, điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch chung các đô thị vệ tinh, Quy hoạch vùng huyện; đặc biệt đối với các huyện có chủ trương phát triển thành quận, cần nghiên cứu lập và điều chỉnh các quy hoạch có liên quan gắn với tiêu chí đô thị.
Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo củng cố tổ chức bộ máy, cán bộ quản lý quy hoạch, kiến trúc từ thành phố đến cấp huyện; coi trọng sự tham gia của cộng đồng dân cư, sự phản biện của các tổ chức xã hội, nghề nghiệp; sự tham vấn chuyên môn của các chuyên gia, nhà khoa học trong quá trình triển khai lập, thẩm định quy hoạch để đảm bảo tính thực tiễn, khách quan, khoa học và khả thi của quy hoạch.
“Làm tốt việc công bố, công khai quy hoạch để cho các tổ chức, cá nhân dễ dàng tiếp cận”, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu.
Cũng theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, các cấp, các ngành phải chú trọng hơn nữa công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc gắn với từng đồ án quy hoạch, đảm bảo chặt chẽ, giữ đúng định hướng, mục tiêu ban đầu của quy hoạch. Xem xét một cách thận trọng, khách quan, khoa học việc điều chỉnh và điều chỉnh cục bộ quy hoạch, hạn chế thấp nhất việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch làm giảm diện tích đất xây dựng các công trình phúc lợi, công cộng. Nghiên cứu xây dựng các Đề án quản lý quy hoạch, quản lý kiến trúc đối với các khu vực đặc thù như: Khu vực phố cổ, phố cũ, khu vực 2 bên sông Hồng, sông Đuống, các khu đô thị vệ tinh và các khu đô thị, khu nhà ở mới... Tăng cường kiểm tra, thanh tra công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý hoạt động đầu tư xây dựng theo quy hoạch xây dựng được phê duyệt. Rà soát, tổng hợp các trường hợp vi phạm để có kế hoạch xử lý, khắc phục dứt điểm.
Không để phát sinh nhà “siêu mỏng, siêu méo”
Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo rà soát, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các địa phương; tăng cường cơ chế tự quản cộng đồng trong quản lý đô thị; chú trọng đầu tư, cải tạo, nâng cấp hệ thống cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố đã đề ra; đẩy nhanh việc hạ ngầm, chỉnh trang đường dây cáp điện, cáp viễn thông; tập trung đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cao chất lượng các công viên công cộng, vườn hoa cây xanh theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Cũng theo Chỉ thị 14, cơ quan có thẩm quyền thành phố phải rà soát, sắp xếp, tiêu chuẩn hóa hệ thống biển hiệu, quảng cáo ngoài trời, quản lý vỉa hè, lòng đường; kiên quyết không để phát sinh tình trạng nhà “siêu mỏng, siêu méo”, nhất là ở các tuyến phố mới. Thành phố khuyến khích đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe tập trung, các bãi đỗ xe ngầm, các giải pháp công nghệ trong việc quản lý, vận hành bãi đỗ xe, giảm thiểu tình trạng dừng, đỗ xe sai quy định...
Các cấp, các ngành có trách nhiệm chấn chỉnh công tác đấu thầu dịch vụ thu gom rác trên địa bàn theo quy định; duy trì tỷ lệ 100% chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn được thu gom và xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn; tránh để xảy ra tình trạng ùn ứ rác thải tại khu vực đô thị và các vùng lân cận; tăng cường chế tài xử lý nghiêm hành vi vứt rác, xả rác trên đường phố, nơi công cộng; tiếp tục kêu gọi đầu tư, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các nhà máy xử lý nước thải và chất thải rắn sinh hoạt, rác thải công nghiệp, rác thải y tế; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh...
Xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra sai phạm
Về công tác quản lý trật tự xây dựng, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp, các ngành, đặc biệt là UBND các quận, huyện, thị xã cần chấn chỉnh kỷ cương, thực hiện chế độ xử lý trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Tổ chức rà soát, tổng kết, đánh giá và đề xuất các giải pháp hiệu quả, phù hợp để ổn định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy của cơ quan, bộ phận chuyên môn làm công tác quản lý trật tự xây dựng của thành phố và các quận, huyện, thị xã. Tiếp tục rà soát, thống kê các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trong các giai đoạn trước để xử lý dứt điểm. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ trong công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý, đồng thời có chế tài gắn trực tiếp trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở trong việc xử lý tồn tại cũ và phát sinh mới đối với các trường hợp vi phạm về đất đai, đặc biệt trong những trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng công trình trái phép trên đất công, đất nông nghiệp, lâm nghiệp, vi phạm hành lang bảo vệ công trình hạ tầng giao thông, công trình an ninh, quốc phòng; tăng cường cơ chế tự quản, phát huy vai trò của nhân dân trong quản lý trật tự xây dựng. Chủ động rà soát các quy định của Trung ương và thành phố để ban hành hoặc sửa đổi các quy định, chế tài xử phạt theo hướng chặt chẽ, nghiêm minh, tăng tính răn đe và tuân thủ các quy định của pháp luật.
Để tổ chức thực hiện, ngoài yêu cầu về cá thể hóa trách nhiệm và siết chặt kỷ cương, kỷ luật nêu trên, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo các quận, huyện, thị ủy lãnh đạo, chỉ đạo UBND quận, huyện, thị xã căn cứ Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy và kế hoạch tổ chức thực hiện của UBND thành phố, xây dựng kế hoạch cụ thể và tập trung tổ chức thực hiện có hiệu quả trên địa bàn. Trong quá trình đó, từng đơn vị phải thường xuyên theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc việc triển khai Chỉ thị; tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm, siết chặt kỷ cương, kỷ luật trên từng địa bàn xã, phường, thị trấn.
Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu: Hằng năm, các địa phương phải tổ chức kiểm điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ; làm tốt công tác khen thưởng, biểu dương các cá nhân, tập thể tiêu biểu trên địa bàn; xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý có hành vi vi phạm hoặc buông lỏng quản lý, để xảy ra các sai phạm.
Toàn văn Chỉ thị 14 xem tại đây:
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.