(HNMO) – Chiều nay (30-5), POPS Worldwide giới thiệu rộng rãi hình thức bảo vệ bản quyền âm nhạc trên Youtube mà đơn vị này đã thực hiện vài tháng nay. POPS Worldwide hiện đang là đối tác duy nhất ký hợp tác bản quyền với YouTube (thuộc tập đoàn Google).
* “Xem có ý thức”
Chiều ngày 30-5, đại diện của POPS Worldwide cho biết, vào tháng 8/2011, POPS Worldwide đã ký kết dự án hợp tác bản quyền hoá nội dung nhạc Việt Nam trên YouTube với YouTube (thuộc tập đoàn Google). Kể từ thời điểm này, những nội dung nhạc Việt Nam dưới hình thức video clip do người dùng YouTube đưa lên hệ thống website www.youtube.com được chính thức đăng ký bản quyền và bảo vệ bản quyền.
Việc bản quyền âm nhạc trên YouTube sẽ được siết chặt hơn, mang lại quyền lợi cho ca sĩ, nghệ sĩ (ảnh: Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Tuấn Hưng... tham gia ký bản quyền trên YouTube) |
Việc bảo vệ bản quyền này đã ảnh hưởng và tạo sự thay đổi với 2 đối tượng chính: người tạo nội dung (ca sỹ, nghệ sỹ) và người dùng trên YouTube. Điều này có nghĩa, người tham gia tạo sản phẩm và người sử dụng (nghe, tải, up load)… đều phải tuân thủ những quy tắc nhất định mà điều chủ chốt vẫn là tôn trọng bản quyền của tác phẩm. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có những thay đổi quan trọng trong thói quen sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm văn hóa. Người dùng sẽ không còn sự vô tư upload, sử dụng, tải về những sản phẩm trên YouTube nếu như không được sự cho phép của ca sĩ, nghệ sĩ.
Bà Nguyễn Hữu Vĩnh Hạnh, Giám đốc phát triển Tổ chức và kinh doanh của POPS Worldwide cho biết, trước kia người dùng vẫn quen dùng “chùa” những sản phẩm trên YouTube như tải về sử dụng vào mục đích riêng, thậm chí có khá nhiều đơn vị, cá nhân đã lợi dụng những sản phẩm có lượt truy cập cao trên YouTube để chèn quảng cáo… thì bây giờ việc này sẽ được hạn chế. POPS Worldwide sẽ dỡ bỏ những quảng cáo hoặc các sản phẩm đăng tải trên YouTube có sử dụng những phần hình hoặc tiếng của ca sĩ đã đăng ký bản quyền trên YouTube trước đó. YouTube có một phần mềm chuyên biệt để phân biệt phần hình ảnh, âm thanh đã được bảo hộ bản quyền trước đó để nếu phát hiện ra việc người dùng sử dụng sản phẩm này thì phần mềm này tự ý cắt bỏ.
“Đã có khá nhiều trường hợp, một clips được tải trên YouTube nhưng bị mất phần tiếng hoặc hình, đó là do người tải clips này đã sử dụng phần âm thanh hoặc hình ảnh chưa được phép của ca sĩ đã đăng ký bản quyền. Trong những trường hợp nói trên, YouTube sẽ đưa ra lời cảnh báo của POPS Worldwide về việc người đó đang sử dụng sản phẩm bản quyền của ai. Nếu người sử dụng vẫn phớt lờ cảnh báo đó và cố tình upload những sản phẩm đã được đăng ký bản quyền thì sau 3 lần sẽ bị POPS Worldwide dỡ bỏ hoàn toàn”, bà Vĩnh Hạnh giải thích thêm.
* Nghệ sĩ, người dùng được lợi gì?
Chiều 30-5, đại diện của POPS Worldwide cho biết, hiện đã có hơn 100 ca sĩ, nghệ sĩ ký với POPS Worldwide để bảo quyền âm nhạc của họ trên YouTube, trong đó phải kể đến những cái tên như Đàm Vĩnh Hưng, Tuấn Hưng, Văn Mai Hương… Bà Nguyễn Hữu Vĩnh Hạnh cho biết, các ca sĩ, nghệ sĩ ký kết bảo vệ bản quyền trên YouTube sẽ nhận được khá nhiều lợi ích, một trong số đó là họ sẽ kiểm soát được khả năng cho phép người dùng sử dụng sản phẩm âm nhạc của mình, bảo vệ danh tiếng, hình ảnh và mang lại doanh thu.
Nhiều ca sĩ, nghệ sĩ, đơn vị sản xuất ký bản quyền trên YouTube sẽ bảo vệ được hình ảnh của mình |
Theo đó, khi đăng ký bản quyền với YouTube, ca sĩ hoàn toàn có thể lựa chọn cho phép người dùng xem và chia sẻ nội dung bằng cách đăng (upload) video clips lên kênh của người dùng hoặc dùng nhạc làm nhạc nền cho các clip khác. Ca sĩ cũng có thể cho phép người dùng theo từng lãnh thổ mà mình muốn và yêu cầu được bảo vệ hình ảnh nếu như sản phẩm của mình bị sử dụng sai mục đích. Một trong những lợi ích nữa có thể mang lại lợi nhuận trực tiếp cho ca sĩ, nghệ sĩ là khi sản phẩm của họ được lượng truy cập cao trên YouTube và có quảng cáo thì họ sẽ được chia lợi nhuận.
Chia sẻ về phản ứng của người dùng khi việc bảo vệ bản quyền trên YouTube được áp dụng, bà Vĩnh Hạnh thừa nhận, có khá nhiều người dùng phản ứng, gửi mail bày tỏ sự khó chịu khi họ không còn tự do chia sẻ, sử dụng sản phẩm đã được up trên YouTube như trước, nhưng cũng có người tuân thủ theo quy định bảo vệ bản quyền trên YouTube. Về cơ bản, người dùng vẫn có thể dùng YouTube như một kênh thông tin xã hội hiệu quả như từ trước đến nay, họ cũng có thể sử dụng clips âm thanh, hình ảnh đăng tải trên YouTube miễn phí nếu như được sự cho phép của ca sĩ, nghệ sĩ. Tất nhiên, khi việc bảo vệ bản quền được áp dụng, người dùng cũng sẽ phải học cách tôn trọng bản quyền các tác phẩm âm nhạc được đăng tải trên YouTube. Đây cũng là điều mà nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng.
Hiện nay, việc bảo vệ bản quyền trên YouTube đã được áp dụng trên 52 quốc gia, có nơi thậm chí còn áp dụng cả việc xem những sản phẩm trên YouTube phải trả tiền. Ở Việt Nam, việc bảo vệ bản quyền vốn thực hiện khá khó khăn vì ý thức của người dùng vẫn chưa cao, chưa kể “nhiều người dùng Việt Nam khá thạo việc “bẻ khóa”, có thể dễ dàng vượt qua sự quản lý của đơn vị bảo hộ để tải sản phẩm âm nhạc và sử dụng mục đích riêng.” – bà Hạnh chia sẻ.
Có thể thấy, ca sĩ, nghệ sĩ sĩ khi đăng ký bản quyền trên YouTube nhận được khá nhiều quyền lợi. Những quyền lợi này sẽ được thực thi đến đâu so với “lời hứa” của đơn vị đứng ra bảo hộ bản quyền thì vẫn phải chờ thêm thời gian nữa. Điều này cũng còn cần cả sự hợp tác của cả ca sĩ - nghệ sĩ, đơn bị bảo hộ bản quyền và người dùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.