Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban. Lập lại Ban Nội chính Trung ương, lập ban nội chính ở các tỉnh ủy, thành ủy, giao Bộ Chính trị quyết định cụ thể.
Quyết định này đã thể hiện quyết tâm mới của Đảng về phòng chống tham nhũng.
Với kinh nghiệm tham gia Bộ phận Thường trực thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (2) và 14 năm làm việc ở Ban Nội chính Trung ương trước đây và với ý thức xây dựng Đảng, xin có một số ý kiến sau:
1- Với chức năng là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương cần tập trung vào khâu trọng tâm tham mưu giúp Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư phòng chống tham nhũng, tránh rải mành mành, phân tán công việc. Tập trung nghiên cứu, phát hiện, xác minh, tổng hợp thông tin về những vụ tham nhũng trọng điểm để tham mưu chính xác, giúp Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo giải quyết dứt điểm, xử lý nghiêm minh tạo bước đột phá, làm trong sạch Đảng, lấy lại niềm tin của nhân dân.
Ví dụ: Cần có đủ thẩm quyền, nguồn lực xác minh, chuẩn bị chu đáo thông tin, có chứng cứ rõ ràng về những vụ tham nhũng lớn, những cá nhân có sai phạm, trong đợt tự phê bình và phê bình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương.
- Làm rõ sự minh bạch trong việc kê khai tài sản.
- Làm rõ về ưu điểm, khuyết điểm, sai phạm về phẩm chất, đạo đức của các thành viên.
- Về trách nhiệm trong lãnh đạo, quản lý ở lĩnh vực được phân công.
- Kết luận (đúng, sai) sau khi thực hiện tự phê bình và phê bình.
- Kế hoạch sửa chữa sai phạm của tập thể và cá nhân.
2- Bộ máy tổ chức của Ban Nội chính Trung ương cần tinh, gọn, gồm những cán bộ có trí tuệ, bản lĩnh, có phẩm chất trong sạch.
Tổ chức bộ máy nên có:
- Vụ theo dõi các vụ tham nhũng trọng điểm.
- Vụ theo dõi pháp luật phục vụ chống tham nhũng.
- Vụ nghiên cứu, thu thập thông tin về tham nhũng và đơn thư khiếu tố, khiếu nại về tham nhũng.
- Văn phòng ban.
Về cán bộ:
Tiêu chí: Là những cán bộ có tâm huyết với sự nghiệp của Đảng, với chỉnh đốn Đảng, đặc biệt có thái độ kiên quyết, dũng cảm chống tham nhũng, phẩm chất trong sáng, có trí tuệ, bản lĩnh, trong sạch.
Lãnh đạo Ban nên gồm 1 trưởng ban và 3 phó trưởng ban.
Không nên nhập bộ phận văn phòng phòng chống tham nhũng cũ với 2 vụ nội chính (vụ Pháp luật, Vụ theo dõi ngành, các địa phương của Văn phòng Trung ương hiện nay). Nên giao trách nhiệm cho Trưởng ban Nội chính mới được lựa chọn trong số 117 cán bộ hiện có lấy 50 người có đủ tiêu chí trên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Không nên lấy cán bộ sắp nghỉ hưu ở các ban khác chuyển sang.
Ban Nội chính Trung ương được Bộ Chính trị ra quyết định thành lập, được giao đủ thẩm quyền, có cơ chế làm việc tương xứng với nhiệm vụ được giao; được phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương để kiểm tra, giám sát các thành viên từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư trở xuống về phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, từ Trưởng ban đến cán bộ, đảng viên của Ban chịu sự kiểm soát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong lựa chọn, bố trí cán bộ, đặc biệt đối với lãnh đạo (trưởng ban, các phó trưởng ban, các vụ trưởng, chuyên viên cao cấp…) đủ phẩm chất, năng lực phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Đồng thời Đảng, Nhà nước có chính sách bảo đảm vật chất, động viên tinh thần để cán bộ yên tâm, trong sáng làm việc./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.