Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bản lĩnh đối mặt với hiểm nguy

Hiền Phương| 21/09/2018 06:16

(HNM) - Công việc luôn đối mặt với nguy hiểm, thậm chí có thể hy sinh tính mạng, nhưng với cán bộ, chiến sĩ Đại đội Phòng cháy, phòng hóa thuộc Bộ Tham mưu (Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội), “giặc lửa” không đáng sợ bằng việc không kịp đến cứu người trong đám cháy.

Cán bộ, chiến sĩ Đại đội Phòng cháy, phòng hóa chữa cháy tại huyện Thanh Trì. Ảnh: Hữu Thu


Chiến đấu với giặc lửa

Sau hơn 3 giờ cùng các lực lượng khác tham gia chữa cháy tại phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình) vào tối 18-9, cán bộ, chiến sĩ của Đại đội Phòng cháy, phòng hóa lại ngồi cùng nhau rút kinh nghiệm. Đại úy Nguyễn Quyết Thắng, Chính trị viên Đại đội, trực tiếp chỉ huy đơn vị tại hiện trường chia sẻ: “Chúng tôi đã huy động 2 kíp xe và 15 cán bộ, chiến sĩ, chia làm 2 mũi vừa chữa cháy, vừa tiếp nước cho xe của các lực lượng khác. Cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã kịp thời mang được bình gas từ nhà số 903 Đê La Thành ra ngoài, tránh nguy cơ phát nổ”.

Được biết, trong quá trình tham gia chữa cháy, cán bộ, chiến sĩ Đại đội Phòng cháy, phòng hóa luôn chú ý phòng ngừa những nguy cơ có thể gây ra thiệt hại nặng nề. Trước đó, trong một lần chữa cháy tại quận Hà Đông, Binh nhất Vũ Văn Ngà đã kịp thời mang được bình gas ra khỏi khu vực cháy. Binh nhất Vũ Văn Ngà cho biết: “Được chỉ huy đơn vị quán triệt trong lúc tập luyện nên ngay khi tiếp cận hiện trường tôi suy nghĩ phải làm sao vào được khu vực bếp để mang bình gas ra ngoài, bởi nếu để gas trong đám cháy có thể phát nổ, rất nguy hiểm”.

Nhớ lại lần tham gia chữa cháy tại cây xăng số 2B Trần Hưng Đạo (tháng 6-2013), Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Lê Minh Tuấn, nhân viên Đại đội Phòng cháy, phòng hóa kể: “Hôm đó, đơn vị đã điều 3 xe chữa cháy, 25 cán bộ, chiến sĩ cơ động đến hiện trường, phối hợp cùng lực lượng của Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy Hà Nội triển khai nhiệm vụ. Cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã phối hợp ăn ý cùng các lực lượng chia làm nhiều mũi để chữa cháy. Tuy làm việc trong nhiều giờ nhưng nhờ bản lĩnh, mưu trí, gan dạ, anh em đã không để xảy ra sự cố đáng tiếc nào”.

Trong câu chuyện với chúng tôi, Trung úy Lê Minh Tuấn rất xúc động khi nhớ lại một lần cứu được người dân ra ngoài an toàn trong một đám cháy nguy hiểm: "Nhiều người đã ôm chầm lấy chúng tôi để cảm ơn. Một lần khác, sau khi chữa cháy xong, chúng tôi được bà con dúi vào tay ổ bánh mì nóng hổi, chai nước mát uống cho lại sức...”.

Là lực lượng chữa cháy cho các đơn vị quân đội trực thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội nhưng nhiều năm qua, mỗi khi trên địa bàn Thủ đô xảy ra cháy, cán bộ, chiến sĩ Đại đội Phòng cháy, phòng hóa đều không quản hiểm nguy, luôn sát cánh cùng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố “chiến đấu” với “giặc lửa”. Không thể nhớ chính xác được số lần đơn vị từng tham gia chữa cháy, cứu hộ nhưng hầu như tại các đám cháy lớn xảy ra trên địa bàn thành phố, các anh đều có mặt kịp thời.

“Khó khăn, gian khổ trong huấn luyện và thực hiện nhiệm vụ không kể hết nhưng chúng tôi đều thấy vinh dự, tự hào bởi đã góp phần hạn chế được thiệt hại về người, tài sản cho Nhà nước, nhân dân” - Đại úy Nguyễn Quyết Thắng tâm sự.

Bền bỉ luyện rèn

Hà Nội đang vào thu. Nắng đã bớt oi. Thế nhưng, không khí của mùa thu dường như chưa đến được với thao trường, bãi tập của Đại đội Phòng cháy, phòng hóa. Bằng chứng là trên những gương mặt chiến sĩ trẻ, mồ hôi vẫn chảy thành dòng.

Vừa hoàn thành bài tập nhảy từ tầng cao xuống, một tốp chiến sĩ lại thoăn thoắt thực hiện động tác leo dây. Ở góc khác, hơn 10 người lại phải khoác lên mình bộ quần áo cao su, đeo mặt nạ chạy quanh sân thực hiện bài tập “Vận động khí tài 3km”.

Nói về điều này, chỉ huy đơn vị chia sẻ: Các vụ cháy thường phát sinh ra nhiều loại khí độc hại. Vì vậy, ngoài việc huấn luyện về nghiệp vụ chữa cháy, Đại đội luôn chú trọng huấn luyện các khoa mục về chiến thuật tiêu độc, tẩy xạ, khai thác, sử dụng khí tài phòng da, phòng hô hấp và rèn luyện sức khỏe cho bộ đội. Bên cạnh đó, các phương án huấn luyện sát thực tế được đơn vị rất chú trọng để khi làm nhiệm vụ ngoài hiện trường, chiến sĩ không bị bỡ ngỡ. Qua diễn tập và thực tế thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã sử dụng thành thạo, có hiệu quả các phương tiện chữa cháy, trang bị khí tài phòng độc.

Tranh thủ phút giải lao trên thao trường, chiến sĩ Nguyễn Đình Cường chia sẻ: “Tôi đã được chỉ huy tin tưởng giao thực hiện nhiệm vụ chữa cháy 3 lần. Lần đầu tiên chữa cháy ở quận Hà Đông, tôi run lắm vì lúc đó đông người, khung cảnh hỗn loạn nhưng nhớ lời của chỉ huy, tôi dần trấn tĩnh để thực hiện nhiệm vụ”.

Ngồi ngay bên cạnh, Binh nhất Nguyễn Anh Tuấn thêm vào: “Như chị thấy đó, chúng tôi vừa thực hiện động tác trượt dây thừng để cứu người bị nạn. Đây không chỉ là cách ôn luyện cho bản thân mà còn là động tác mẫu để các đồng đội mới học tập làm theo. Động tác này khó vì không chỉ một mình mình leo từ tầng cao xuống mà phải đưa cả người khác xuống cùng nên đòi hỏi tay chắc khỏe, đúng kỹ thuật. Bản thân tôi phải tập luyện trong vòng một tháng mới bảo đảm cân bằng để thực hiện động tác”.

Công việc đặc thù nên cán bộ, chiến sĩ của đơn vị phải luyện tập thường xuyên. Chiến sĩ Hoàng Văn Văn chia sẻ: “Tôi về đơn vị đến nay được 3 tháng. Ban đầu tôi thấy rất vất vả, người mệt mỏi. Động tác khó nhất với tôi là sử dụng dây thừng để tụt từ các nhà cao tầng xuống. Được chỉ huy các cấp và những người đi trước hướng dẫn, động viên, đến nay tôi cùng anh em đã tự tin hơn nhiều về kỹ năng nghiệp vụ, luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ”.

Khó khăn của Đại đội Phòng cháy, phòng hóa là phải liên tục bồi dưỡng nghiệp vụ chữa cháy cho chiến sĩ mới bởi thời gian phục vụ trong quân ngũ của họ rất ngắn. Nhiều người chỉ vừa đủ thành thạo kỹ thuật thì lại xuất ngũ. Một hạn chế nữa là cán bộ, chiến sĩ của đơn vị thường không am hiểu địa bàn như các đơn vị chữa cháy chuyên nghiệp của thành phố nên gặp khó khăn trong việc tiếp cận hiện trường. Ngoài ra, trang bị, khí tài của đơn vị còn thiếu… Nhưng với quyết tâm cao, những năm qua, Đại đội luôn khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ được giao, có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào thực tế.

“Chúng tôi mong mọi người, mọi nhà hãy cẩn thận, không để xảy ra những tình huống cháy, nổ đáng tiếc. Tuy nhiên, nếu có đám cháy xảy ra trên địa bàn, chúng tôi luôn sẵn sàng lên đường thực hiện nhiệm vụ với tinh thần: Sinh mệnh người dân là trên hết, tài sản của nhân dân là quan trọng” - đó là lời gửi gắm trước lúc chia tay của Đại úy Nguyễn Quyết Thắng, Chính trị viên Đại đội Phòng cháy, phòng hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bản lĩnh đối mặt với hiểm nguy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.