Lịch sử không có chỗ cho những kẻ về nhì. Novak Djokovic hiểu rõ điều này hơn ai hết. Bởi anh đang chạm một tay vào khoảnh khắc huy hoàng và đẹp đẽ nhất trong suốt sự nghiệp thi đấu của mình: trở thành tay vợt số một thế giới.
Djokovic lo ngại Tsonga - Ảnh: Internet |
Những con số thống kê cho thấy chỉ cần lọt vào tới trận chung kết của Wimbledon 2011 năm nay, số điểm tích lũy của Djokovic sẽ đủ để lật đổ sự thống trị của Nadal và lần đầu tiên trong sự nghiệp bước lên ngôi vị số 1 trên bảng xếp hạng ATP. Sau Roger Federer, Rafael Nadal, ngôi vị số 1 đang sẵn sàng để chờ đón 1 vị tân vương mới.
Chướng ngại vật còn lại trên con đường bước tới ngôi vị cao nhất của Nole là Tsonga, tay vợt vừa làm rúng động làng banh nỉ thế giới khi hạ gục Federer 3-2 trước đó. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách khách quan, kẻ bại trận dưới tay Tsonga là một tàu tốc hành đã ở bên sườn dốc sự nghiệp chứ không còn mạnh mẽ và đầy sức mạnh như ngày nào. Dấu ấn của tuổi tác, của sự suy giảm thể lực hiện rõ trong lối chơi của Federer và chiến thắng cho Tsonga không phải một điều gì quá bất ngờ. Cú sốc mà người ta nhận được sau tin thất bại của tàu tốc hành giống như một sự hẫng hụt về tâm lý nhiều hơn là những bất ngờ về mặt chuyên môn.
Tsonga chưa khi nào được đánh giá quá cao. Tay vợt người Pháp có thành tích không mấy nổi bật ở các giải đấu lớn, ngoại trừ việc tiến vào tới tận chung kết Úc mở rộng năm 2008. Nhưng ở giải đấu ấy, người đã giương cao chiếc cúp vô địch trước mặt Tsonga chính là đối thủ của anh ở trận đấu chiều nay: Djokovic. Ở thời điểm hiện tại, sự yếu kém về tâm lý, và kém trong những pha đánh bóng bền của Tsonga chính là những điểm yếu chết người mà Djokovic có thể xoáy vào.
Đối thủ lớn nhất là chính mình
Tuy nhiên kẻ địch lớn nhất của Djokovic trong trận này không phải Tsonga mà có lẽ chính là bản thân anh. Đứng trước một cơ hội quan trọng nhất trong sự nghiệp, làm chủ được đôi tay và khối óc của mình không hề đơn giản. Còn nhớ khi đứng trước khả năng cân bằng kỷ lục 42 trận thắng liên tiếp của huyền thoại John McEnroe xác lập năm 1984, Nole đã ngậm ngùi thất bại trước Federer và chuỗi 41 trận thắng trước đó bỗng trở thành vô nghĩa. Một thất bại mà theo nhiều người, ngoài những lý do về chuyên môn, không thể không nói tới trạng thái căng thẳng của Djokovic khi đứng trước ngưỡng cửa lịch sử trong sự nghiệp. Những khao khát, ước mơ có thể chắp cánh cho bạn bay xa, nhưng điều gì cũng có 2 mặt riêng của nó...
Cặp đấu còn lại giữa Andy Murray và Rafael Nadal cũng là một trận đấu có khá nhiều duyên nợ. Cả 2 không xa lạ gì nhau, thậm chí còn là đôi bạn khá thân thiết ngoài sân đấu. Tuy nhiên, có lẽ tất cả những thứ tình cảm đó sẽ phải bỏ lại ngoài sân, vì cuộc đấu giữa một Murray đang khát khao chiếc cup Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp ngay chính tại đất nước mình và một Nadal không bao giờ có từ "bỏ cuộc" trong từ điển, xin hãy cứ xác định trước tính khốc liệt "một mất một còn" của nó.
Cả Murray và Nadal đều có những rắc rối cần phải vượt qua, Nếu như với Murray là việc khắc phục bản lĩnh thi đấu kém cỏi cũng như giữ được một tâm lý thật ổn định, Nadal cũng có việc cần làm với chấn thương khó chịu của mình. Chiến thắng trước Mardy Fish, Nadal đã buộc phải dùng tới thuốc gây tê để có thể thi đấu hết trận và rõ ràng đối với một vận động viên đỉnh cao, việc làm đó không hề dễ chịu một chút nào, chưa tính tới những ảnh hưởng lâu dài về thể lực họ có thể gặp phải trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.