(HNMO) – Ông Nguyễn Văn Hậu – Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cho biết, huyện đã ban hành giá vé tham quan thắng cảnh chùa Hương nhân dịp lễ hội 2012 sắp mở.
Theo đó, giá vé tham quan thắng cảnh và phí bảo hiểm là 50.000đ/người/lượt (đối với người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên và trẻ em dưới 15 tuổi, mức phí trên giảm 50%: 25.000 đ/người/lượt); với vé xuồng, đò (thường): tuyến Hương Tích là 35.000đ/người/lượt (vào + ra), tuyến Long Vân - Tuyết Sơn là 25.000đ/người/lượt. Với loại vé chất lượng cao, tuyến Hương Tích là 40.000 đ/người/lượt (vào + ra); tuyến Long Vân - Tuyết Sơn là 30.000đ/người/lượt.
Khai hội chùa Hương. Ảnh: Internet |
Cũng theo ông Hậu, để chuẩn bị cho lễ hội chùa Hương sẽ khai hội vào ngày mùng 6 tháng Giêng Nhâm Thìn, huyện đã đầu tư xây dựng dây chuyền xử lý rác thải với công nghệ lò đốt của Nhật Bản, trị giá trên 10 tỷ đồng; mở rộng bến đò Thiên Trù để giải quyết nạn ách tắc giao thông đường thuỷ, giá trị trên 4 tỷ đồng; xây dựng trụ sở làm việc cho Ban Tổ chức lễ hội chùa Hương (khu vực Thiên Trù) trị giá trên 3 tỷ đồng; đầu tư xây dựng khu nhà khách, nhà thụ trai thuộc sơn môn chùa Thiên Trù; tu sửa, nâng cấp tuyến giao thông tỉnh lộ 419…
Bên cạnh đó là việc quy hoạch dịch vụ, huyện đã tổ chức quy hoạch 320 hàng quán gồm: hàng ăn, hàng trọ, hàng lưu niệm và tạp phẩm đảm bảo phù hợp với cảnh quan, giao thông đi lại thuận tiện. Về công tác vệ sinh môi trường, huyện đã phát động các tầng lớp nhân dân và học sinh tổng vệ sinh môi trường trên địa bàn xã Hương Sơn, khơi thông hệ thống cống rãnh, xử lý hoá chất Cloramin B và vôi bột đảm bảo sạch sẽ đón xuân mới và khách về lễ hội. Chuẩn bị cho phương tiện thuỷ phục vụ du khách, UBND xã Hương Sơn đã tổ chức đăng ký cho 4.300 phương tiện đò, xuồng tham gia vận chuyển phục vụ lễ hội.
* Trong một diễn biến khác cũng để chuẩn bị cho mùa lễ hội đã cận kề, hôm nay (3/1/2012), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 01, về tổ chức và quản lý lễ hội năm 2012. Theo đó, Ban tổ chức lễ hội sẽ phải thực hiện những quy định sau:
- Khi tổ chức lễ hội phải báo cáo bằng văn bản với cơ quan quản lý cấp trên.
- Không tổ chức lễ hội tốn kém, lãng phí, ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của nhân dân và ngân sách địa phương, lợi dụng tổ chức lễ hội để trục lợi.
- Trong khu vực lễ hội, cờ Tổ quốc phải treo ở nơi trang trọng, cao hơn cờ hội.
- Không tổ chức các hoạt động mê tín dị đoan như: bói toàn, xóc thẻ, tàng trữ, buôn bán, sử dụng văn hoá phẩm cấm lưu hành.
- Có quy hoạch địa điểm hoạt động dịch vụ phục vụ nhu cầu của người dân tham gia lễ hội. Nghiêm cấm tổ chức các hoạt động dịch vụ trong khu vực bảo vệ của di tích lịch sử - văn hoá.
- Không quảng cáo bằng loa, đài gây tiếng ồn quá mức quy định trong lễ hội.
- Nghi thức lễ hội phải được tiến hành trang trọng theo truyền thống có sự hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước về văn hoá có thẩm quyền.
- Nghiêm cấm tổ chức trò chơi có tính chất đánh bạc dưới mọi hình thức.
- Việc tổ chức những trò chơi dân gian, hoạt động văn nghệ, thể thao trong khu vực lễ hội phải có nội dung bổ ích, lành mạnh phù hợp với quy mô, tính chất, đặc điểm của lễ hội,
- Tổ chức bán vé và trông giữ xe theo quy định của cơ quan tài chính có thẩm quyền.
- Tổ chức tốt việc xử lý chất thải, kiểm tra, kiểm soát các loại thực phẩm hàng văn uống được bán tại nơi diễn ra lễ hội. Đảm bảo không để xảy ra tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm, bùng phát dịch bệnh.
Các thông tin trên đã được đưa ra trước các nhà báo tại hội nghị giao ban báo chí thường kỳ do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều nay (3/1/2012).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.