Bạn đọc

Bán hàng đội lốt hội thảo: Đừng để hệ lụy xấu cho xã hội

Thiện Mỹ 24/06/2024 - 07:03

Thời gian qua, hoạt động bán hàng giá cao, hàng không rõ nguồn gốc vẫn còn “đất diễn” dưới chiêu bài tổ chức “hội thảo”. Nạn nhân chủ yếu là người cao tuổi ở vùng nông thôn. Với kịch bản tặng quà, mua hàng được hoàn tiền..., các đối tượng đã dụ dỗ nhiều người bỏ ra hàng chục triệu đồng mua hàng...

nhieu-nguoi-dan-tap-trung-t.jpg
Nhiều người dân tập trung trước địa điểm tổ chức hội thảo bán hàng ở thị trấn Liên Quan (huyện Thạch Thất), sáng 20-6.

Đến hội thảo, sẽ có quà

Ngày 20-6, mới 7h10, trước cửa nhà H2, số 42, thị trấn Liên Quan, gần cổng chợ Săn (huyện Thạch Thất) đã có một nhóm người cao tuổi tập trung chuyện trò rôm rả về việc mua sản phẩm sâm Hàn Quốc. Đến 8h, tại căn phòng tầng 2 có khoảng 20 người trong độ tuổi 60 đến 80 ngồi chờ hội thảo.

Trong vai người đi nghe hội thảo để mua thuốc cho mẹ, phóng viên Báo Hànộimới đã bị “mời” ra khỏi khán phòng do “chúng tôi đã đủ khách hàng, không nhận khách mới”. Dù thuyết phục cần mua thuốc cho mẹ, nhưng “khách mới” vẫn tiếp tục bị mời đi. Chỉ đến khi có sự can thiệp của người cho thuê nhà thì “khách mới” mới được ngồi lại nghe.

Có lẽ đề phòng “khách mới” nên hoạt động hội thảo không diễn ra, hai thanh niên bán hàng chỉ bán kem đánh răng (khoảng 100.000 đồng/tuýp). Màn bán hàng diễn ra chóng vánh trong 10 phút, bởi: “Trời nắng nóng, con dừng ở đây để các mẹ về cho khỏi vất vả” - người bán hàng thân thiện nói. Dù không ai mua hàng, nhưng mỗi người vẫn được tặng một túi bánh phồng tôm.

Chứng kiến những người đi dự hội thảo hằng ngày, ông Khuất Thanh M. ở ngã ba thị trấn Liên Quan, đường 420 cho biết, hoạt động hội thảo, bán hàng diễn ra vào buổi sáng và chiều, mỗi buổi 1 giờ đồng hồ. Ai đến cũng được tặng quà, giới thiệu thêm người mới, quà tặng sẽ nhân đôi. Họ mời các cụ nghe giảng, giới thiệu sản phẩm liên quan đến xương khớp, tim mạch...

Giấu con khi mua sản phẩm tại địa chỉ nêu trên, bà D. ở thôn Ngoại, xã Phú Kim “mách nhỏ”: “Họ bán sâm Hàn Quốc, tốt cho người bị đột quỵ. Họ bán cả các sản phẩm bổ mắt, xương khớp... Năm ngoái tôi mua hết 36 triệu đồng từ tiền tích cóp đi chợ bán rau và của con cháu cho. Có người còn mua hết 50 triệu đồng...”.

Tương tự, tại xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất), tháng 4-2024 cũng từng diễn ra hội thảo bán hàng gia dụng. Với chiêu trò đưa ra nhiều món hàng có giá trị thấp làm mồi nhử theo “kịch bản” cứ mua hàng là được hoàn tiền, khi đạt “độ chín”, các đối tượng tung ra những mặt hàng có giá cao tới hơn 4 triệu đồng/sản phẩm như nồi cơm điện, bếp từ... và chỉ giới hạn bán trong khoảng thời gian rất ngắn để kích thích người mua. Sau khi thu được tiền, nhóm bán hàng không hoàn lại tiền như lời hứa mà nhanh chóng rời khỏi hiện trường...

Cần giải pháp hữu hiệu

Thực tế, các nhóm bán hàng thường “nhắm” đến đối tượng người cao tuổi ở vùng nông thôn để dễ bề đánh trúng tâm lý đi là được tặng quà miễn phí, qua đó nhằm lừa đảo bán hàng với những lời quảng cáo thổi phồng công dụng của sản phẩm.

Dù không nắm bắt được hoạt động hiện tại của nhóm người tổ chức hội thảo bán hàng tại nhà H, số 42, thị trấn Liên Quan, nhưng theo Chủ tịch UBND thị trấn Liên Quan Vũ Mạnh Tưởng, năm 2022, cán bộ UBND thị trấn đã kiểm tra và nhóm tổ chức hội thảo xuất trình đủ hồ sơ. Năm 2023, UBND thị trấn kiểm tra nhưng tại đây không có hàng hóa gì. Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND thị trấn chưa kiểm tra... “Do nhóm người này hoạt động không cố định nên khó kiểm soát. Ghi nhận thông tin nhà báo cung cấp, UBND thị trấn sẽ cho kiểm tra ngay, nếu vi phạm sẽ xử lý theo quy định”, ông Tưởng nói.

Với quan điểm không tiếp tay cho người bán hàng chụp giật, đội lốt “hội thảo”, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Hữu Bằng Phan Văn Tư cho biết: Hội đã từ chối nhiều tổ chức, cá nhân xin tổ chức hội thảo bán hàng tại địa phương. Hoạt động bán hàng hiện chủ yếu do các nhóm tự thuê nhà dân để tổ chức, không thông qua chính quyền địa phương. Trong rất nhiều cuộc họp, Hội luôn khuyến cáo hội viên không nhẹ dạ cả tin, không tham việc được tặng quà để rồi mua phải hàng không rõ nguồn gốc...

Trong khi đó, Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 19 (Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội) Chu Quang Vinh thông tin: Khi doanh nghiệp tổ chức hoạt động hội thảo bán hàng thì địa phương phải nắm bắt, giám sát xem hoạt động có đúng quy định không. Nếu là thực phẩm chức năng của nước ngoài thì sản phẩm phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt, tên thương nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm, đồng thời phải có 3 thông tin bắt buộc: Tên nhà nhập khẩu, địa chỉ đơn vị nhập khẩu, xuất xứ hàng hóa. Ngoài ra, còn một số thông tin cần thiết khác, như: Ngày tháng sản xuất, số công bố chất lượng sản phẩm... Khi mua, khách hàng nên đối chiếu, tham khảo thêm thông tin về giá cả, thành phần có trong sản phẩm...

Thực tế cho thấy, rất ít hội thảo bán hàng không đúng quy định bị phát hiện, xử lý kịp thời. Sự chậm trễ này đã gây hệ lụy xấu cho xã hội. Đề nghị cơ quan chức năng xác minh việc bán hàng nêu trên và có giải pháp hữu hiệu trong việc ngăn chặn các hoạt động tương tự, để không tái diễn cảnh vừa mất tiền lại vừa mua nỗi bực dọc cho bản thân và gia đình...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bán hàng đội lốt hội thảo: Đừng để hệ lụy xấu cho xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.