Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bàn giải pháp gia tăng xuất khẩu hàng hóa thương hiệu Việt tới EU

Lam Giang| 25/11/2022 17:19

(HNMO) - Dù là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam song thị trường EU còn thiếu vắng những sản phẩm gắn với thương hiệu Việt Nam. Thực tế này đặt ra yêu cầu phải có nhiều giải pháp gia tăng xuất khẩu sản phẩm thương hiệu Việt để thêm sức nặng cho hàng Việt tại thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng này.

Quang cảnh tọa đàm.

Nội dung này được các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp cùng bàn luận tại Toạ đàm “Xuất khẩu hàng hóa với thương hiệu Việt sang các thị trường trong EVFTA” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 25-11.

Sau 2 năm thực thi, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU tăng trưởng tích cực, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã gia tăng giá trị xuất khẩu hàng hóa sang thị trường lớn này.

Ông Vũ Anh Sơn, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pháp đánh giá, EVFTA đã tạo ra tiếng vang làm cho các nhà nhập khẩu, đối tác quốc tế ở EU quan tâm hơn đến thị trường Việt Nam, từ đó tăng nhập khẩu hàng hóa Việt Nam. Dự kiến trong năm 2022, Việt Nam lần đầu tiên đạt mốc xuất khẩu sang Pháp trên 6 tỷ euro.

Ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Hapro chia sẻ tại tọa đàm.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho hay, Hapro có thị trường trên 80 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới và mỗi năm xuất khẩu trên 100 triệu USD. EU là một trong những thị trường chiến lược của Hapro khi chiếm tới trên 30% thị phần.

Tuy nhiên, số lượng hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này còn chưa nhiều. Còn có nhiều sản phẩm hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU với thương hiệu nước ngoài.

Nguyên nhân là bởi doanh nghiệp chưa nhận thức được tầm quan trọng của phát triển thương hiệu tại thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, vấn đề chất lượng và an toàn thực phẩm, năng lực chế biến cũng như tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp còn hạn chế.

Để hàng hóa mang thương hiệu Việt thâm nhập vào thị trường EU được nhiều hơn, ông Vũ Anh Sơn, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pháp cho rằng, nên mở rộng diện hàng hóa có thương hiệu Việt Nam thay gia tăng bằng số lượng thương hiệu Việt. Từ đó nâng cao chất lượng xuất khẩu của các sản phẩm mang thương hiệu Việt nhằm tăng thêm sức nặng cho hàng Việt tại thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng này.

Để phát triển được thương hiệu với thị trường, theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng nghiên cứu để xuất khẩu sản phẩm thị trường EU cần chứ không phải bán những sản phẩm chúng ta có. Cùng với đó, các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy kinh doanh, bán hàng, thấu hiểu văn hóa và các tập quán kinh doanh của khối thị trường này. Đồng thời cần nâng cao bản sắc Việt Nam trong sản phẩm hàng hóa để định vị và xây dựng thương hiệu hàng Việt tốt hơn ở thị trường này.

Còn từ phía doanh nghiệp, ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Hapro cho rằng, bên cạnh vai trò hỗ trợ của cơ quan chức năng doanh nghiệp phải có sự đầu tư bài bản mới có thể xâm nhập được thị trường bởi không thể đi bằng phương tiện thô sơ trên đường cao tốc.

Về những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường EU nói riêng và tới các thị trường trên thế giới nói chung, bà Nguyễn Thị Thu Thủy nhấn mạnh, thời gian tới, Cục Xúc tiến thương mại sẽ tập trung, ưu tiên xúc tiến thương mại những nhóm, mặt hàng đủ năng lực để bứt phá ở thị trường châu Âu. Qua đó, xây dựng được những “cánh chim đầu đàn” của thương hiệu Việt; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại và phát triển thương hiệu. Bà Thủy cũng lưu ý, để làm được điều đó, thay vì cạnh tranh lẫn nhau như như hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường EU cần gắn kết nhiều hơn để cùng phát triển thương hiệu cho các nhóm sản phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bàn giải pháp gia tăng xuất khẩu hàng hóa thương hiệu Việt tới EU

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.