Ngày 19-3, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị toàn thể cán bộ, công chức trong cơ quan để lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Các ý kiến đóng góp bày tỏ sự nhất trí cao với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, những điểm mới trong Dự thảo đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển và thực tiễn đặt ra cho đất nước trong giai đoạn mới, bảo đảm sự đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đặc biệt, Dự thảo đã bổ sung làm rõ quyền con người và quyền công dân, trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, cũng như đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Đây là những điểm đặc biệt ưu việt của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này.
Hội nghị cũng nhấn mạnh, trong quá trình sửa đổi Hiến pháp, Ban Đối ngoại TƯ cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, góp phần thông tin kịp thời và đầy đủ cho bạn bè quốc tế về mục đích, nội dung sửa đổi Hiến pháp, đồng thời đấu tranh với các thế lực thù địch trong và ngoài nước lợi dụng việc đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp để xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân.
* Ngày 19-3, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo Cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam đóng góp xây dựng Hiến pháp nhằm góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Nhìn chung, các đại biểu đều mong muốn Dự thảo đề cập đến doanh nhân và vai trò của doanh nhân trong khối đại đoàn kết dân tộc trong giai đoạn mới khi cả nước đẩy mạnh hội nhập và sự nghiệp CNH-HĐH; nhất là vai trò của DN trong liên minh giai cấp công nhân, nông dân và tầng lớp trí thức. Cụm từ "doanh nhân" xuất hiện trong Hiến pháp sẽ có ý nghĩa to lớn, tạo động lực cho giới này đóng góp trí tuệ, tài lực xây dựng đất nước trong thời gian tới. Một số ý kiến cho rằng, cần đề cập thỏa đáng đến vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, nhất là sự bình đẳng giữa DN thuộc các thành phần kinh tế. Ngoài ra, một số vấn đề cần làm rõ, như các chính sách nhà nước bảo đảm cho DN thực hiện quyền kinh doanh, quyền tiếp cận đất đai và thủ tục hành chính liên quan…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.