(HNM) - Mối quan hệ vẫn còn nhiều khúc mắc giữa hai miền Triều Tiên lại tiếp tục đứng trước nguy cơ một đợt sóng gió mới sau khi Bình Nhưỡng tỏ thái độ bất bình về việc nhiều truyền đơn chống lại nước này đã được rải tại khu vực biên giới hai nước.
Sự việc bắt đầu khi một số truyền đơn bị cáo buộc là chỉ trích chính quyền Triều Tiên đặt trong bóng bay hoặc chai nhựa thả trôi ra biển được tìm thấy. Bình Nhưỡng không hài lòng vì cho rằng Hàn Quốc đã không có động thái cụ thể để ngăn chặn những hành động này, đồng thời coi đây là tín hiệu tiêu cực có thể tổn hại đến nỗ lực thúc đẩy quan hệ giữa hai miền Triều Tiên.
Phản ứng trước vụ việc, Phó Trưởng ban thứ nhất của Ủy ban Tuyên truyền và cổ động Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yo-jong cho biết, Bình Nhưỡng đang cân nhắc hủy thỏa thuận về giảm căng thẳng quân sự với Hàn Quốc, thậm chí ngưng các dự án trao đổi quan trọng song phương như rút hoàn toàn khỏi Khu công nghiệp chung Kaesong hoặc đóng cửa Văn phòng liên lạc liên Triều nếu quốc gia láng giềng phía Nam không can thiệp “để chấm dứt các hoạt động phát tán truyền đơn”.
Căng thẳng lên đỉnh điểm khi Triều Tiên không trả lời cuộc gọi định kỳ từ phía Hàn Quốc qua các đường dây nóng quân sự liên Triều trong sáng 9-6. Điều đó gây lo ngại rằng Bình Nhưỡng sẽ thực thi tuyên bố cắt các đường dây liên lạc quân sự và chính trị đã thiết lập như: Kênh liên lạc trên biển giữa quân đội hai nước, kênh liên lạc thử nghiệm liên Triều, đường dây nóng giữa Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên với Phủ Tổng thống Hàn Quốc.
Trước diễn biến này, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ đã kêu gọi Triều Tiên quay lại con đường đàm phán ngoại giao, đồng thời khẳng định, Washington luôn ủng hộ tiến triển trong quan hệ liên Triều và sẽ phối hợp chặt chẽ với Hàn Quốc để tiếp xúc với Triều Tiên. Tương tự, Trung Quốc bày tỏ hy vọng Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ hợp tác thông qua đối thoại.
Bất đồng mới nảy sinh giữa Triều Tiên và Hàn Quốc khiến cộng đồng quốc tế lo ngại tiến trình đàm phán hòa bình trên bán đảo Triều Tiên sẽ càng lún sâu vào bế tắc. Quan hệ giữa hai bên thời gian qua đã gặp nhiều trở ngại trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, còn các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa Mỹ - Triều Tiên không có tiến triển gì kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 2-2019 tại Hà Nội. Đây cũng là yếu tố khiến giới chuyên môn cho rằng, thái độ quyết liệt của Bình Nhưỡng có thể phát đi thông điệp về mong muốn phá vỡ bế tắc trong đàm phán, đồng thời bày tỏ sự thất vọng về việc Seoul không nỗ lực thúc đẩy các mối quan hệ liên Triều.
Việc gia tăng áp lực lên Hàn Quốc được cho là bước đi của Bình Nhưỡng nhằm nâng tầm ưu tiên cho các vấn đề đàm phán giữa hai miền, giảm bớt “trọng lượng” của đối thoại với Washington.
Trước diễn biến đáng tiếc này, Bộ Thống nhất Hàn Quốc khẳng định không ủng hộ hoạt động rải truyền đơn tại giới tuyến tạm thời với Triều Tiên của Trung tâm Giáo dục Kuensaem và Tổ chức “Những chiến binh vì Triều Tiên tự do”. Bộ này cho biết sẽ chuyển thông tin tới cảnh sát và thu hồi giấy phép hoạt động của hai tổ chức trên. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tái khẳng định quan điểm rằng thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên là mục tiêu không thay đổi của Seoul.
Đây được xem là động thái tích cực thể hiện thiện chí của Hàn Quốc và giúp hạ nhiệt căng thẳng giữa hai nước. Tuy nhiên, một số ý kiến lo ngại những sự cố đáng tiếc kéo theo các tuyên bố cứng rắn có thể gây tổn hại đến niềm tin giữa hai bên vốn đã được xây dựng qua những cuộc gặp thượng đỉnh của lãnh đạo hai miền Triều Tiên trong vài năm trở lại đây. Điều đó cũng tiềm ẩn nguy cơ đưa hai miền quay lại thời kỳ đối đầu như trong quá khứ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.