(HNM) - Không ảnh mới nhất do các nhà khoa học Trường Đại học nghiên cứu quốc tế Johns Hopkins (Mỹ) công bố và những thông tin mà tình báo Hàn Quốc đưa ra cho thấy, Triều Tiên đã sẵn sàng cho một vụ thử hạt nhân thứ ba và các vụ phóng tên lửa khác tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri. Dù thời gian tiến hành những vụ phóng thử vẫn là một bí ẩn, nhưng thông tin trên đã khiến Bán đảo Triều Tiên nóng lên từng ngày.
Tên lửa KSLV-I của Hàn Quốc trước khi rời bệ phóng. |
Hàn Quốc là nước đi đầu kêu gọi cộng đồng quốc tế đưa ra những biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn nữa nhằm vào Triều Tiên sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) thông qua nghị quyết mở rộng lệnh trừng phạt với nước này sau vụ phóng vệ tinh tháng 12-2012. Không chỉ đặt quân đội trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao nhằm đáp lại "sự leo thang căng thẳng quân sự trên Bán đảo Triều Tiên", Hàn Quốc còn tuyên bố sẽ cân nhắc việc siết chặt các biện pháp trừng phạt nếu Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân thứ ba như đã tuyên bố. Ngày 31-1, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã triệu tập khẩn cấp một cuộc họp an ninh tại Nhà Xanh với Bộ trưởng Quốc phòng, Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia, Cố vấn an ninh quốc gia và đưa ra cảnh báo Triều Tiên sẽ phải hứng chịu "những hậu quả nghiêm trọng" nếu thực hiện thêm các vụ thử hạt nhân.
Không chỉ Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ cũng có những bước chuẩn bị riêng để đối phó với việc thử hạt nhân của Triều Tiên. Cũng trong một cuộc họp khẩn cấp ngày 31-1 tại trụ sở Bộ Quốc phòng Nhật Bản ở Tokyo, các quan chức ngoại giao và quốc phòng ba nước một lần nữa khẳng định sẽ thống nhất hành động trước kế hoạch thử hạt nhân của Bình Nhưỡng. Không những thế, việc Triều Tiên đang ráo riết chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân đã trở thành mối quan tâm chung của khu vực. Các quan chức từ 27 quốc gia tham dự hội nghị lần thứ 21 Diễn đàn Nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương ở Vladivostok (Nga) đã thông qua một nghị quyết yêu cầu Triều Tiên tuân thủ các nghị quyết liên quan của HĐBA LHQ và kiềm chế trong phát triển hạt nhân hay phóng thử tên lửa.
Giữa lúc căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên không ngừng nóng lên, Hàn Quốc đã thực hiện vụ phóng tên lửa đẩy KSLV-I trong nỗ lực lần thứ ba nhằm đưa vệ tinh của nước này lên quỹ đạo. Sau thất bại liên tiếp vào năm 2009 và 2010, việc phóng tên lửa đẩy 140 tấn KSLV-I là một sự kiện quan trọng với tương lai của chương trình không gian Hàn Quốc, giúp nước này gia nhập nhóm cường quốc vũ trụ trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản. Thực tế, tham vọng không gian của Seoul đã bị hạn chế nhiều năm qua vì một hiệp ước quân sự ràng buộc với Mỹ do Washington lo ngại một chương trình phát triển tên lửa đẩy sẽ làm gia tăng chạy đua vũ trang trong khu vực, nhất là với Triều Tiên. Tuy nhiên, sự kiện Hàn Quốc phóng thành công tên lửa đẩy KSLV-I trong bối cảnh hiện nay khiến dư luận không khỏi quan ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới.
Bất chấp những phản đối từ phía dư luận, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un những ngày qua không ngừng phát đi thông điệp không kém phần quyết liệt rằng nước này sẽ sử dụng "vũ lực mạnh mẽ" để bảo vệ chủ quyền và danh dự quốc gia. Cho rằng thử hạt nhân là đòi hỏi chính đáng của nhân dân, báo chí Triều Tiên đều khẳng định nước này không còn lựa chọn nào khác trước mối đe dọa hòa bình và an ninh trên Bán đảo Triều Tiên bắt nguồn từ chính sách thù địch của các thế lực do Mỹ cầm đầu.
Bán đảo Triều Tiên một lần nữa bị đốt nóng trước không khí chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng, trong khi Mỹ và các đồng minh đang không ngừng gia tăng các biện pháp đối phó. Thời điểm mà Triều Tiên có thể lựa chọn để thực hiện vụ phóng mới có thể sẽ trùng với các sự kiện lớn sắp tới như sinh nhật cố lãnh đạo Kim Jong-Il (16-2) hay lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Park Geun-hye (25-2). Dù tất cả mới chỉ là phỏng đoán nhưng những gì diễn ra trên Bán đảo Triều Tiên cho thấy tương lai vòng đàm phán sáu bên cũng như việc cải thiện quan hệ liên Triều đang ngày càng trở nên xa vời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.