(HNMO) - Ngày 18-8, tiếp tục chương trình phiên họp thứ hai của của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét báo cáo tình hình kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội (tháng 7-2021).
Trình bày báo cáo, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, trong tháng 7-2021, Ban Dân nguyện đã tiếp 26 lượt người liên quan đến 22 vụ việc. Trong đó có 7 vụ khiếu nại, 2 vụ tố cáo, 13 kiến nghị, phản ánh. Qua đó, đã hướng dẫn, giải thích cho công dân về 15 vụ việc, có văn bản hướng dẫn công dân gửi đơn đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết 2 vụ việc; chuyển 5 vụ việc đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
“So với tháng 6-2021, số lượt công dân đến địa điểm tiếp công dân của Quốc hội giảm so với các tháng trước và không phát sinh vụ việc đông người, phức tạp”, đồng chí Dương Thanh Bình cho biết.
Cũng trong thời gian trên, Ban Dân nguyện đã tiếp nhận và xử lý 1.381 đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Qua phân loại, có 271 đơn đủ điều kiện, qua nghiên cứu, đã có văn bản chuyển 30 đơn có nội dung cần được xem xét, rà soát lại và đã có văn bản chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết; còn 241 đơn chủ yếu là các vụ việc đang trong quá trình xem xét, giải quyết của cơ quan có thẩm quyền và những vụ việc phức tạp cần được tiếp tục nghiên cứu, thu thập thêm tài liệu.
Ban Dân nguyện cũng kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao báo cáo về tình hình, kết quả rà soát, giải quyết đối với các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài trên phạm vi toàn quốc để có giải pháp giải quyết dứt điểm; chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội tăng cường hơn nữa công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc phức tạp, được dư luận quan tâm.
Đây là lần đầu tiên Ban Dân nguyện có báo cáo về hoạt động thường kỳ lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nhận định đây là hình thức làm việc đổi mới trong thực hiện công tác của Ban Dân nguyện, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, báo cáo của Ban Dân nguyện cần thể hiện đúng tính chất là công tác dân nguyện hằng tháng.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, báo cáo cần làm nổi bật, khái quát vấn đề người dân đang bức xúc; ngành, địa phương nào nhận nhiều đơn thư; tình hình về công tác tiếp công dân, giải quyết đơn, thư của các ngành, địa phương và các cơ quan của Quốc hội; nhận định, phân tích nguyên nhân để có đề xuất, kiến nghị về công tác xây dựng pháp luật. Ngoài việc chuyển kiến nghị, Ban Dân nguyện cần lựa chọn vụ việc nổi cộm, kéo dài để tiến hành giám sát.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu báo cáo của Ban Dân nguyện bám sát 8 nhóm nhiệm vụ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định. Bên cạnh việc chuyển ý kiến, kiến nghị của cử tri đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết, Ban Dân nguyện đồng thời phải theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý Ban Dân nguyện phải thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội tổng hợp kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn, thư và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, định kỳ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đồng tình với hai nội dung kiến nghị của Ban Dân nguyện, đồng chí Vương Đình Huệ cho rằng các cơ quan, đơn vị cần tăng cường hơn nữa công tác xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc phức tạp, kéo dài.
“Việc nhỏ không giải quyết kịp thời thì thành việc lớn, việc lớn không giải quyết kịp thời thì thành đại sự”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ban Dân nguyện bám sát chức năng, nhiệm vụ để thiết lập báo cáo tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội hằng tháng; làm tốt việc tiếp nhận, rà soát, sàng lọc, đơn, thư khiếu nại, tố cáo; tiến hành kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.