(HNM) - 20h hôm nay (26-1), NSND Đặng Thái Sơn sẽ có buổi độc tấu piano "Techcombank concert" tại Nhà hát Lớn TP Hồ Chí Minh, đánh dấu 10 năm trở lại chương trình độc tấu tại TP mang tên Bác. Trước ngày biểu diễn, NSND Đặng Thái Sơn đã một mình đi dạo trên những con phố của Hà Nội yêu dấu. Ông đã dành cho Hànộimới cuộc trò chuyện cởi mở về âm nhạc và buổi diễn sẽ dành tặng Hà Nội vào ngày 1-10-2010.
- Thưa NSND Đặng Thái Sơn, năm 2010 cũng là thời điểm đánh dấu 30 năm sự nghiệp âm nhạc của ông kể từ khi ông đoạt giải nhất piano F.Chopin năm 1980. Từ buổi ấy đến nay, hình ảnh Hà Nội trong ông có điều gì thay đổi?
- Điều mãi ấn tượng với tôi là Hà Nội có 4 mùa. Nhất là mùa này, cái rét se se vẹn nguyên như 30 năm trước. Nó gợi cho tôi về tuổi thơ với một không gian Hà Nội rất tĩnh tại, vẳng tiếng rao người bán hàng đêm trên phố Tống Duy Tân nơi tôi ở, hay con đường Lý Nam Đế yên tĩnh dẫn ra sông Hồng những ngày đi đổ dế với bạn...
Hà Nội giờ đây sôi động hơn, vội vã hơn... Dưới quan niệm của nghệ sĩ, cũng có đôi điều tiếc nuối; nhưng ở góc độ của sự phát triển, khi đời sống người dân được nâng cao thì cũng nên mừng.
- Thưa nghệ sĩ, với dịp ý nghĩa này, vì sao ông không dành cho Hà Nội một cuộc trở về của âm nhạc?
- Chương trình "Techcombank concert" đánh dấu sự trở lại một buổi độc tấu của tôi sau 10 năm ở TP mang tên Bác và mở đầu cho các hoạt động kỷ niệm 200 năm Ngày sinh F.Chopin tại Việt Nam. Còn vào ngày 1-10-2010, tại Hà Nội, tôi sẽ cùng với dàn nhạc của Học viện Âm nhạc quốc gia biểu diễn một chương trình ý nghĩa chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; kỷ niệm 200 năm Ngày sinh F.Chopin và 30 năm sự nghiệp âm nhạc của cá nhân tôi. Một buổi diễn ý nghĩa với 3 sự kiện lớn đấy chứ! (cười).
Dịp này, tôi sẽ trình diễn một bản concerto đánh dấu bước khởi đầu sự nghiệp của tôi. Năm 1975, một chuyên gia âm nhạc người Nga tổ chức buổi hòa nhạc tại Nhạc viện Hà Nội, ông đã cho tôi chơi bản concerto khó hơn trình độ Trung cấp II mà tôi đang học rất nhiều, cùng với các giảng viên của trường. Tôi dành bản concerto này để biểu diễn tại Hà Nội vào dịp 1-10.
- Cho đến nay, vinh quang đã "gặt", gian khổ đã qua, điều gì làm ông hài lòng nhất và điều gì ông vẫn còn theo đuổi?
- Điều hạnh phúc nhất là suốt 30 năm qua, tôi đã xây nên sự nghiệp của mình bằng chính nỗ lực của bản thân chứ không dựa vào một sự may mắn ngẫu nhiên nào... Đoạt được giải quốc tế đã khó, nhưng để giữ vững được vị trí của mình còn khó hơn. Sau 30 năm, vị trí mà tôi nỗ lực xây dựng đã được khẳng định.
Điều chưa làm được thì rất nhiều. Giờ đây, đã lớn tuổi, tôi dành thời gian nhiều cho giảng dạy và ước mơ xa xôi là làm sao có một mái trường về âm nhạc ở Việt Nam để có thể trực tiếp đào tạo một thế hệ trẻ về piano. Trước mắt, dễ thực hiện hơn là lập khóa ngắn hạn đào tạo giúp lên tay nghề trực tiếp cho nghệ sĩ trẻ. Tôi cũng đang trao đổi với Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng "phần mềm" - chương trình giảng dạy tại đây. "Phần cứng" là cơ sở vật chất thì không có gì đáng phàn nàn, thậm chí cũng có thể sánh ngang tầm quốc tế.
- Thưa nghệ sĩ, nhiều gia đình Việt Nam hiện nay đầu tư đàn piano cho trẻ học từ sớm, dù không theo chuyên nghiệp. Ông nghĩ gì về điều này?
- Đây là một hiện tượng rất đáng khích lệ, cho dù học chỉ để biết thì cũng rất tốt, vì đó sẽ là một thế hệ khán giả cho nghệ sĩ chuyên nghiệp. Đây là xu hướng tất yếu, nằm trong phong trào chung mà tôi thấy ở các nước châu Á hiện nay.
- Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.