(HNM) - Cuộc chiến đấu 60 ngày đêm (19/12/1946 - 17/2/1947) đầy kiên cường, với quyết tâm “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của quân dân Thủ đô Hà Nội đến nay vẫn còn được nhắc mãi. Bao chàng trai, cô gái Hà thành lãng mạn, thanh lịch đã bước vào cuộc chiến với tinh thần đầy quả cảm. Được sống và chứng kiến thời khắc ấy, trong họ vẫn vẹn nguyên cảm xúc về bản hùng ca bất diệt những ngày tháng không thể nào quên cách đây gần 75 năm…
Hưởng ứng Lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với lòng yêu nước và ý chí quyết tâm bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nền độc lập non trẻ của dân tộc, quân dân Hà Nội đã bước vào cuộc chiến đấu quyết tử với giặc Pháp. Thủ đô Hà Nội trở thành chiến trường chính trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến...
Những hồi ức không phai
Năm nay đã bước sang tuổi 94, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tiến Hà (Phó Trưởng ban Thường trực Ban Liên lạc Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu, hiện sống tại phường Láng Thượng, quận Đống Đa) vẫn rất minh mẫn. Nhớ về giai đoạn cam go mà tự hào ấy, ông Nguyễn Tiến Hà kể: “Chiến khu Hà Nội (Chiến khu XI) chia thành 3 liên khu: Liên khu I, II và III hình thành nên thế trận liên hoàn. Nhiệm vụ của các liên khu là tiêu hao sinh lực địch, kìm chân quân Pháp không cho địch mở rộng mặt trận. Các lực lượng vũ trang, tự vệ với súng trường, lựu đạn, bom ba càng, mã tấu, dao, kiếm… đã dựng chiến lũy, chướng ngại vật để liên tiếp đẩy lùi các cuộc tấn công của quân địch. Tôi khi đó tham gia vào lực lượng tự vệ Bạch Mai (thuộc Liên khu II)…”.
Cũng như nhà giáo Nguyễn Tiến Hà, hồi ức về 60 ngày đêm Hà Nội sục sôi khí thế “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” vẫn in đậm trong tâm trí người chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô - Đại tá Tạ Duy Đức (hiện sống tại ngõ 37 Lý Nam Đế, quận Hoàn Kiếm). Sinh ra và lớn lên ở phố Hàng Bông, 15 tuổi, cậu bé Tạ Duy Đức đã theo anh tham gia cách mạng. “Những ngày đầu kháng chiến, tôi và anh trai tham gia tự vệ khu Đông Thành (thuộc Liên khu I). Chúng tôi có nhiệm vụ gìn giữ khu phố Hàng Bông và Nhà thương Phủ Doãn (nay là Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức). Những ngày tháng đó, địch dùng cả xe tăng, bao vây khắp các nẻo đường từ Tràng Thi, Cửa Nam, Phùng Hưng… Lực lượng tự vệ mới tham gia tác chiến lần đầu, nhiều người chưa được huấn luyện, vũ khí thô sơ nhưng chúng tôi vẫn quyết bám trụ, củng cố công sự, trận địa…”, Đại tá Tạ Duy Đức nhớ lại.
Hà Nội lúc bấy giờ người dân đều đã được vận động tản cư, chỉ còn thanh niên và những người tình nguyện ở lại. Bà Phạm Thị Hiền (hiện sống tại Khu tập thể Giảng Võ, quận Ba Đình) là một trong số đó. Nâng niu cuốn sổ ghi tên, địa chỉ của những người bạn chiến đấu 60 ngày đêm ở Liên khu II, bà Hiền nhớ lại: “Lúc đó ai ai cũng muốn xả thân vì nước. Tôi xung phong tham gia đội cứu thương nên được học băng bó, sơ cứu ở Bệnh viện Bạch Mai và làm nhiệm vụ tại Ô Cầu Dền…”. Khi ấy, bà Phạm Thị Hiền mới 18 tuổi.
75 năm trước, Thiếu tướng Ngô Huy Phát, nguyên Cục trưởng Cục Khoa học - Công nghệ - Môi trường (Bộ Quốc phòng) - hiện sống tại ngõ 34 Trần Phú, quận Ba Đình - cũng mới 17 tuổi, nhưng đã đầu quân về Đại đội 1, Tiểu đoàn 77. Chia sẻ về những ngày tháng hào hùng đó, Thiếu tướng Ngô Huy Phát kể: “Lực lượng Liên khu I trong vòng vây đánh ra, còn Liên khu II và III có nhiệm vụ đánh vào, tạo thành thế “gọng kìm” cầm chân địch. Những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, tôi được giao đi trinh sát nắm tình hình địch và phổ biến nhiệm vụ tới các phân đội, đồng thời trực tiếp chiến đấu. Tôi cứ luồn lách đi từ Lò Đúc lên Tràng Thi. Nhiều trận đánh diễn ra rất ác liệt, ta và quân Pháp giành nhau từng bờ tường, góc phố…”. Trong những ngày tham gia chiến đấu này, chiến sĩ Ngô Huy Phát đã bị thương…
60 ngày đêm chiến đấu mở đầu toàn quốc kháng chiến, quân và dân Thủ đô đã hoàn thành nhiệm vụ, bảo vệ an toàn các cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ; tản cư được phần lớn nhân dân; đưa một khối lượng lớn máy móc, thiết bị lên chiến khu… Sau khi cùng quân và dân Liên khu II cầm chân địch 60 ngày đêm, được lệnh của cấp trên, lực lượng tự vệ tạm rút về An
toàn khu để chiến đấu lâu dài. Năm 1948, ông Nguyễn Tiến Hà được điều động về vùng địch tạm chiếm thuộc nội thành Hà Nội để gây dựng cơ sở, chuẩn bị giai đoạn tổng phản công của ta, đồng thời trực tiếp chiến đấu trong lòng địch. Ông Tạ Duy Đức gắn bó với Trung đoàn Thủ đô từ ngày đó, rồi trở về tiếp quản Thủ đô năm 1954, với vai trò là Chính trị viên Đại đội, cán bộ Ban Chính trị (Trung đoàn Thủ đô).
Cũng như Đại tá Tạ Duy Đức, Thiếu tướng Ngô Huy Phát cho rằng, 60 ngày đêm cuối năm 1946, đầu năm 1947 ở Thủ đô Hà Nội đã tạo niềm tin cho cả dân tộc bước vào trường kỳ kháng chiến chống Pháp, tạo tiền đề cho ngày tiếp quản Thủ đô về sau...
Truyền tiếp ngọn lửa yêu nước
Ở tuổi 92, Đại tá Tạ Duy Đức vẫn làm bạn với chiếc máy vi tính, hằng ngày theo dõi, cập nhật thông tin, cuộc sống Thủ đô qua mạng internet. Ông còn tham gia Ban Liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn Thủ đô, luôn quan tâm, kết nối với đồng đội của mình năm xưa. Ông cũng tham gia viết bài và biên soạn gần 10 bộ sách sử về những năm tháng hào hùng của Trung đoàn Thủ đô.
Kể lại câu chuyện của mình cách đây đã gần 75 năm, trong mắt Đại tá Tạ Duy Đức ánh lên niềm vui: “Tôi tự hào là chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô suốt 43 năm. Từ yêu nước mà trở thành Bộ đội Cụ Hồ, tôi thấy mình cần có trách nhiệm thu thập tài liệu, ghi lại cho thế hệ trẻ những câu chuyện, những trang sử hào hùng về 60 ngày đêm, truyền tiếp ngọn lửa yêu nước của cha ông cho thế hệ hôm nay và mai sau, để mãi tỏa sáng tinh thần của Trung đoàn Thủ đô”.
Với vai trò truyền bá chữ quốc ngữ những ngày trước năm 1945, thầy giáo trong vùng địch tạm chiếm, ông Nguyễn Tiến Hà đã bồi dưỡng cho rất nhiều học sinh tinh thần yêu nước, khéo léo vận động học sinh đi theo kháng chiến và thông qua những giáo sư Việt Nam có uy tín để vận động các nhân sĩ, trí thức ủng hộ cách mạng. Điều đáng quý nhất ở nhà giáo Nguyễn Tiến Hà là hơn 7 thập kỷ qua, ông đã đem hết tình cảm, tài năng và trí tuệ của mình cống hiến cho cách mạng, cho nền giáo dục nước nhà.
Đi qua hai cuộc chiến tranh của đất nước, Thiếu tướng Ngô Huy Phát luôn một lòng tin tưởng vào Đảng, Bác Hồ. “Nay chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ về với đời thường, tuổi đã cao, sức đã yếu, song còn sống ngày nào sẽ sống vui, sống khỏe, sống có ích, nêu gương cho con cháu, đoàn kết xây dựng nếp sống văn hóa, xứng đáng là công dân của Thủ đô ngàn năm văn hiến”, Thiếu tướng Ngô Huy Phát bày tỏ.
Còn bà Phạm Thị Hiền cũng qua rất nhiều cương vị công tác, từ cán bộ đoàn, cô giáo mầm non đến lúc về hưu tại Bệnh viện E, với 60 năm tuổi Đảng. Nhắn nhủ với thế hệ trẻ, bà Hiền cho rằng: “Thanh niên bây giờ cần hiểu rõ hơn giá trị những hy sinh mất mát của ông cha để có được Hà Nội tươi đẹp ngày nay, từ đó nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của bản thân đối với Thủ đô, để trong bất kỳ hoàn cảnh nào, sẵn sàng cống hiến và hy sinh cho dân tộc”.
… Những chứng nhân lịch sử 60 ngày đêm khói lửa năm xưa đã qua cái tuổi xưa nay hiếm và ngày một ít dần đi, nhưng ký ức lịch sử về mùa đông năm 1946 vẫn mãi không bao giờ quên. Đó còn là một bản anh hùng ca trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc, góp phần làm tỏa sáng giá trị ngàn năm văn hiến của đất Thăng Long - Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.