(HNM) - Ngày 25-8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo chủ trì cuộc họp với các tiểu ban phục vụ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội nhằm kiểm điểm công tác và triển khai nhiệm vụ thời gian tới.
Sau khi nghe các tiểu ban báo cáo công tác và trao đổi về một số vướng mắc liên quan, Chủ tịch UBND TP Hà Nội kết luận khẳng định, đến thời điểm này, khối lượng và chất lượng công việc chuẩn bị cho kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đạt được là rất đáng khích lệ, trong đó có sự đóng góp tích cực của các tiểu ban phục vụ.
Công nhân Hapulico lắp đèn trang trí xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Nguyệt Ánh
Trước nhiệm vụ đòi hỏi gấp gáp về mặt thời gian, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, lãnh đạo các tiểu ban phải triển khai công việc một cách khoa học, bám sát từng nhiệm vụ bằng trách nhiệm cao nhất. Chủ tịch cho biết sẽ thành lập cơ quan thường trực làm việc tại UBND TP do một phó chủ tịch phụ trách, mỗi tiểu ban sẽ cử ít nhất một phó trưởng tiểu ban tham gia. Các thành viên cơ quan này sẽ tách hẳn công việc chuyên môn hằng ngày của đơn vị mình để tập trung toàn diện cho nhiệm vụ phục vụ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây sẽ là đầu mối công việc hằng ngày, hằng giờ để bảo đảm mọi việc liên quan đến kỷ niệm được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, chu đáo. UBND TP sẽ có quyết định cụ thể thành lập cơ quan này trong một, hai ngày tới. Trước mắt, Văn phòng Ban Chỉ đạo kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tổng hợp danh mục công việc của từng tiểu ban, phân công công việc cụ thể tới từng sở, ban, ngành, quận, huyện, chi tiết tới tên từng người chịu trách nhiệm. Trên cơ sở này, sau khi được thành lập, cơ quan thường trực sẽ theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở hằng ngày. Chủ tịch đặc biệt lưu ý về các sự kiện chính trong 10 ngày Đại lễ và yêu cầu các sở, ngành liên quan hoàn chỉnh kịch bản tổ chức riêng cho từng sự kiện, chi tiết về nhiệm vụ, phân công để không xảy ra bất kỳ sự bị động nào.
Chủ tịch UBND TP yêu cầu các cấp, các ngành tập trung ngay vào các nội dung bề nổi như tuyên truyền, trang trí để làm nổi bật diện mạo Thủ đô, tạo không khí hứng khởi, vui tươi đến với người dân. Các công trình kỷ niệm đã cơ bản hoàn thành như Công viên Hòa Bình, Bảo tàng Hà Nội, Tượng Thánh Gióng, Tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn… các cơ quan phải tập trung chuẩn bị cho việc khánh thành chu đáo. Chủ tịch nhấn mạnh, bây giờ là thời điểm kiểm tra, rà soát về vệ sinh, môi trường, chỉnh trang toàn thành phố, để chỉnh sửa từ những chi tiết nhỏ; đi liền với đó là bảo đảm trật tự, văn hóa, kỷ cương đô thị. Các quận, huyện phải vào cuộc ngay để hướng dẫn từ tổ dân phố, khu dân cư tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí để người dân tham gia sao cho vui vẻ, đầm ấm.
Chủ tịch UBND TP cho biết, để việc đón tiếp khách trong và ngoài nước được chu đáo, có thể sẽ phân công cho các sở, ban, ngành mỗi cơ quan phụ trách đưa, đón, sắp xếp ăn, ở, tham quan… cho một số đoàn khách quốc tế; tương tự các quận, huyện, thị xã mỗi đơn vị phụ trách một số đoàn khách trong nước. Sáng kiến này được đông đảo thành viên các tiểu ban đồng tình, vì cho rằng, làm như vậy, các sở, ban, ngành, quận, huyện sẽ thực sự là "chủ nhà", tinh thần trách nhiệm sẽ cao hơn và quan trọng nhất, việc đón tiếp khách trong và ngoài nước chắc chắn sẽ chu đáo hơn.
* Ngày 25-8, Sở VH,TT&DL Hà Nội phối hợp với Tổng Công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitourist) đã tổ chức họp báo công bố Liên hoan Ẩm thực Hà thành 2010. Liên hoan là sự kiện chính thức trong 10 ngày Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội sẽ diễn ra từ ngày 6 đến 11-10-2010 tại Công viên nước Hồ Tây. Theo BTC, toàn bộ khuôn viên của công viên được chia thành 3 không gian: Không gian văn hóa Hà thành; không gian chợ Việt và không gian trò chơi dân gian với nhiều hoạt động đa dạng…
lSáng 25-8, Hội Người cao tuổi (NCT) TP Hà Nội đã tổ chức lễ gắn biển công trình "Đồi cây NCT TP Hà Nội chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội", tại đồi Máng Sòng (chùa Thiên Phúc, thôn La Gián, xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Nằm trên diện tích 11ha, hiện đã có hơn 1.000 cây xanh được trồng tại công trình này.
* Triển lãm bức tranh thêu "Cội xưa"- món quà ý nghĩa của chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình dành tặng Thủ đô Hà Nội nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã khai mạc trọng thể tối qua (25-8) tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô. Đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Chủ tịch UBND thành phố; Hồ Quang Lợi, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, cùng đại diện lãnh đạo các ngành chức năng đã tới dự.
Bức tranh có kích thước 5,5 x 31m, trọng lượng khoảng 1,5 tấn được trình bày dưới dạng "đơn tuyến huỳnh đồ", gồm ba phần chính: Phần một mô tả sự ra đời của nhà nước tập quyền đầu tiên của người Việt, thể hiện bằng hình ảnh đôi câu đối "Cồ Việt quốc đương Tống khai bảo. Hoa Lư đô thị Hán Tràng An". Phần hai thể hiện phong cảnh vùng đất cố đô Hoa Lư và Thăng Long - Hà Nội qua những dấu tích lịch sử. Toàn văn bản "Chiếu dời đô" bằng chữ Hán là nội dung của phần ba. Hơn 100 nghệ nhân có tay nghề 10 năm trở lên của làng nghề thêu Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) đã miệt mài thực hiện 60.000 ngày công để hoàn thành bức tranh được đánh giá là bức tranh thêu tay lớn nhất Việt Nam hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.